Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 10 Kết nối tri thức Bài 7: Nội lực và ngoại lực

1.1. Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất

a) Khái niệm

– Nội lực là lực sinh ra trong lòng Trái Đất, liên quan tới nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.

– Nguyên nhân hình thành: Nguồn năng lượng sinh ra nội lực chủ yếu là nguồn năng lượng ở trong lòng Trái Đất:

+ Năng lượng của sự phân hủy các chất phóng xạ.

+ Sự dịch chuyển các dòng vật chất theo trọng lực.

+ Các phản ứng hóa học,…

b) Tác động

– Nội lực tác động tới địa hỉnh bề mặt Trái Đất thông qua các vận động kiến tạo như vận động theo phương thẳng đứng và theo phương nằm ngang.

Vận động theo phương thẳng đứng:

– Khái niệm: Là vận động nâng lên, hạ xuống của vỏ Trái Đất diễn ra trên diện tích rộng lớn, làm cho bộ phận này của lục địa được nâng lên, trong khi bộ phận khác bị hạ xuống, xảy ra rất chậm và lâu dài.

– Kết quả: hiện tượng biển tiến và biển thoái như hình dưới đây

Hiện tượng biển tiến và biển thoái

– Ví dụ điển hình: Khu vực phía bắc của Thụy Điển, Phần Lan đang tiếp tục được nâng lên, còn khu vực lãnh thổ Hà Lan đang bị hạ xuống.

Vận động theo phương nằm ngang:

– Khái niệm: Các lực sinh ra bên trong Trái Đất tác động làm cho vỏ Trái Đầt bị nén ép ở chỗ này và tách dãn ở chỗ khác

– Kết quả: gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy như hình 7.1.

Hình 7.1. Hiện tượng uốn nếp và đứt gãy

* Hiện tượng uốn nếp:

– Khái niệm: Là hiện tượng các lớp đá bị uốn thành nếp nhưng không làm phá vỡ tính chất liên tục của chúng.

– Nơi diễn ra: Thường ở những nơi đá mềm, độ dẻo cao.

– Kết quả: Cường độ ban đầu yếu nếp uốn, cường độ sau mạnh tạo núi uốn nếp.

– Ví dụ như các nếp uốn của các lớp đá trầm tích ở vùng núi trong hình dưới đây

Nếp uốn của các lớp đá trầm tích ở vùng núi

Hiện tượng đứt gãy:

– Nơi diễn ra: Thường ở những nơi đã cứng sẽ bị đứt gãy dịch chuyển ngược với nhau theo phương gần thẳng đứng hay phương nằm ngang.

– Kết quả:

   + Cường độ tách dãn yếu đá chỉ bị nứt không dịch chuyển, tạo thành khe nứt.

   + Cường độ mạnh tạo thành địa lũy, địa hào như Thung lũng sông Hồng dưới đây

– Ví dụ điển hình: Thung lũng sông Hồng nhu, dãy con voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, Biển Hồ, các hồ dài ở Đông Phi,…

Xu hướng chung của nội lực là tạo ra sự gồ ghề, cao thấp, mấp mô của địa hình mặt đất. Những dạng địa hình do nội lực tạo ra thường có kích thước lớn như châu lục, các dãy núi cao,…

1.2. Tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất

a) Khái niệm

– Ngoại lực là lực diễn ra trên bề mặt Trái Đất như tác động của gió, mưa, nước chảy, sóng biển, băng, sinh vật và con người.

– Nguyên nhân chủ yếu sinh ra ngoại lực do nguồn năng lượng bức xạ mặt trời.

 b) Tác động

– Tác động của quá trình ngoại lực thông qua ba quá trình: phong hoá, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ.

– Xu hướng chung của ngoại lực là phá huỷ, hạ thấp độ cao và san bằng địa hình.

Quá trình phong hoá:

– Khái niệm: Là quá trình phá hủy, làm thay đổi đá và khoáng vật dưới tác động của nhiệt độ, nước, sinh vật,…, khí CO2, các loại axit có trong thiên nhiên và sinh vật.

– Nơi diễn ra: Xảy ra mạnh nhất trên bề mặt Trái Đất.

– Các dạng phong hóa: hóa học, lí học và sinh học.

– Kết quả chung: tạo ra lớp vỏ phong hoá. Ví dụ: 

Đá nứt vỡ do nhiệt độ thay đổi đột ngột – Hiện tượng phong hóa lí học

Quá trình bóc mòn

– Khái niệm: Bóc mòn là quá trình dời chuyển các sản phẩm phong hoá khỏi vị trí ban đầu, dưới tác động của nước chảy, sóng biển, gió, băng hà,…

– Các dạng bóc mòn: Được phân chia theo nhân tố bóc mòn mà quá trình bóc mòn lại chia thành quá trình xâm thực (do nước chảy), quá trình mài mòn (do sóng biển và băng hà) và quá trinh thổi mòn (do gió). Các quá trình này tạo ra các dạng địa hình hết sức phong phú va đa dạng.

– Ví dụ địa hình được hình thành từ bóc mòn như động Phong Nha ở Hình 7.2 dưới đây

Hình 7.2. Các dạng địa hình trong hang động là kết quả của sự hoà tan đá vôi do nước

(động Phong Nha – Quảng Binh)

Quá trình vận chuyển và quá trình bồi tụ

+ Quá trình vận chuyển là quá trình di chuyển vật liệu từ nơi này đến nơi khác.

+ Quá trình bồi tụ là quá trình tích tụ các vật liệu để tạo ra các dạng địa hình bồi tụ: đồng bằng, bãi bồi,…

+ Ví dụ: Địa hình bồi tụ như hình 7.3

Hình 7.3. Địa hình bồi tụ

– Các quá trình phong hoá, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ liên quan mật thiết với nhau. Quá trình phong hoá chuẩn bị vật liệu cho quá trình bóc mòn, bóc mòn lại làm phơi ra những lớp đá mới cho quá trình phong hoá diễn ra, Tuy nhiên, chỉ có bóc mòn và bồi tụ là tạo thành địa hình.

– Xu hướng chung của ngoại lực là phá huỷ, san bằng sự gồ ghề, mấp mô làm cho địa hình trở nên bằng phằng hơn. Các dạng địa hình do ngoại lực tạo nên rất đa dạng và phức tạp, thường là những dạng địa hỉnh nhỏ.

– Nội lực và ngoại lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong sự hình thành và phát triển địa hình bề mặt Trái Đất. Chúng xảy ra đồng thời, nhưng luôn mâu thuẫn, đối kháng nhau để tạo ra các dạng địa hình khác nhau.