Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 10 Kết nối tri thức Bài 20: Phân bố dân cư và đô thị hoá trên thế giới

1.1. Phân bố dân cư

a) Tình hình phân bố dân cư thế giới

– Dân cư thế giới phân bố rất không đều, có những vùng dân cư tập trung đông đúc như: Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, Tây và Trung Âu,… lại có những vùng thưa dân như: Bắc Á, châu Đại Dương, … như Hình 20. Bản đồ mật độ dân số các nước trên thế giới, năm 2020

– Khái niệm: Là sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự phát trên một lãnh thổ nhất định phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu xã hội.

– Tiêu chí: Số dân cư trú, sinh sống trên một đơn vị diện tích (km2).

Hình 20. Bản đồ mật độ dân số các nước trên thế giới, năm 2020

b) Các nhân tố tác động đến phân bố dân cư

– Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật do tác động tồng hợp của hàng loạt nhân tố từ tự nhiên đến kinh tế – xã hội. Các nhân tố này không tác động riêng lẻ mà kết hợp với nhau.

+ Nhân tố tự nhiên:

. Tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây trở ngại cho sự cư trú của con người.

. Những khu vực có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, môi trường thiên nhiên thuận lợi là các khu vực có dân cư sinh sống đông đúc và ngược lại.

+ Nhân tố kinh tế – xã hội:

. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định việc phân bố dân cư, làm cho phân bố dân cư chuyển từ tự phát sang tự giác. Sự phân bố dân cư phụ thuộc chặt chẽ vào tính chất của nền kinh tế. 

. Những khu vực được khai thác lâu đời thường có dân cư đông đúc hơn những khu vực mới khai thác.

. Di cư có tác động tới sự phân bố dân cư thế giới. Trong lịch sử, các luồng di dân lớn có thể làm thay đổi tỉ trọng dân số của cả một châu lục.

1.2. Đô thị hóa

a) Khái niệm

– Đô thị hoá là một quá trình kinh tế – xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

– Tỉ lệ dân thành thị là một trong các thước đo quan trọng về trình độ phát triển của quá trình đô thị hoá và là cơ sở để đánh giá mức độ đô thị hoá giữa các quốc gia.

b) Các nhân tố tác động đến đô thị hoá

Quá trình đô thị hoá diễn ra thuận lợi hay khó khăn, nhanh hay chậm, diễn biến theo hướng tích cực hay tiêu cực,… phụ thuộc vào sự tác động của nhiều nhân tố.

Các nhân tố chính tác động đến đô thị hóa

– Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên:

+ Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên như quỹ đất, địa hình, nguồn nước, tài nguyên khoáng sản,… tạo thuận lợi hay khó khăn cho đô thị hoá.

+ Các nhân tố này không phải là nhân tố quyết định đô thị hoá.

– Nhân tố kinh tế-xã hội:

+ Sự phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp gắn với khoa học – công nghệ có tác động đặc biệt quan trọng tới đô thị hoá. Công nghiệp hoá và đô thị hoá là hai quá trình song hành và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

+ Lối sống, mức thu nhập, trình độ văn hoá, nghề nghiệp,… đều có tác động đến quá trình đô thị hoá.

+ Chính sách phát triển đô thị được đề ra xuất phát từ những hoàn cảnh cụ thể về tự nhiên, kinh tế – xã hội,… của quốc gia, của vùng và được ban hành bởi các chính sách về quy hoạch đô thị. Đây là nhân tố quyết định hướng phát triển đô thị trong tương lai.

c) Ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế – xã hội và môi trường

Đô thị hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và môi trường theo hai hướng tích cực và tiêu cực như Bảng 20.1. Ảnh hưởng của đô thị hoá

 

Ảnh hưởng tích cực

Ảnh hưởng tiêu cực

Về kinh tế

Tăng quy mô và tỉ lệ lao động ở các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Thay đổi cơ cấu nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Tăng năng suất lao động.

Giá cả ở đô thị thường cao.

Tăng sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn.

Về xã hội

Tạo thêm nhiều việc làm mới.

Phổ biến lối sống thành thị, tạo điều kiện tiếp cận nhiều thiết bị văn minh trong đời sống.

Nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp của một bộ phận dân cư.

Tạo áp lực về nhà ở, việc làm, hạ tầng đô thị.

Nguy cơ gia tăng tệ nạn xã hội.

Về môi trường

Mở rộng và phát triển không gian đô thị, hình thành môi trường đô thị, cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đô thị hoá tự phát thường dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn.