Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 10 Cánh diều Bài 30: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

1.1. Phát triển bền vững

a. Khái niệm

– Trong Báo cáo Brundtland của Uỷ ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) đưa ra năm 1987 đã đưa ra khái niệm bền vững: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng những yêu cầu của hiện tại mà không làm tồn hại đến khả năng thoả mãn nhu cầu của chính các thế hệ mai sau”.

– Nói cách khác, phát triển bền vững là sự phát triển hài hòa cả về kinh tế, xã hội và môi trường ở các thể hệ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Hình 30.1. Ba trụ cột chính của phát triển bền vững

b. Sự cần thiết phải phát triển bền vững

– Về kinh tế: Phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao trong thời gian ngắn đã dẫn tới việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn, đồng thời cũng tạo ra chất thải nhiều hơn. Hậu quả làm cho môi trường sinh thái dần bị suy giảm.

– Về xã hội: Tình trạng gia tăng dân số quá nhanh, tỉ lệ người nghèo ở một số nước đang phát triển nhiều lên, hiện tượng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập phổ biển, …..

– Về môi trường: Tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm, môi trường bị ônhiễm nặng nề, nhiều giống loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

⇒ Sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển phải đảm bảo cho con người có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao trong môi trường sống lành mạnh. Đó chính là sự phát triển bền vững mà xã hội đang thực hiện.

1.2. Tăng trưởng xanh

a. Khái niệm

Tăng trưởng xanh là phương thức phát triển kinh tế bền vững, một bộ phận của phát triển bền vững nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển, đồng thời bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm này được bắt nguồn từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

b. Biểu hiện

– Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

+ Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

+ Giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất và dịch vụ (vận tải, thương mại).

– Xanh hoá sản xuất bao gồm: Đầu tư phát triển vốn tự nhiên, ngăn ngừa và xử lí ô nhiễm.

+ Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

+ Sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, vật liệu thay thế; sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao để tăng năng suất lao động, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

+ Phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học và kĩ thuật nông nghiệp hiện đại để có năng suất và hiệu quả cao.

– Xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững:

+ Kết hợp lối sống truyền thống đẹp với những tiện nghi văn minh, hiện đại.

+ Đô thị hoá bền vững gồm xử lí rác thải, chất thải; duy trì lối sống hoà hợp với thiên nhiên ở nông thôn.

Hình 30.3. Sơ đồ tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, công nghiệp và lối sống