1.1. Các nhân tố tác động đến phân bố dân cư
– Các nhân tố tự nhiên có tác động quan trọng đến sự phân bố dân cư.
+ Những nơi khí hậu ôn hoà, nguồn nước dồi dào, địa hình thấp bằng phẳng, đất đai màu mỡ, … dân cư thường đông đúc.
+ Những nơi khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm, địa hình cao và dốc, đất đai cằn cỗi, … dân cư thường thưa thớt.
– Các nhân tố kinh tế – xã hội có tác động quyết định đến phân bố dân cư, đặc biệt là trình độ phát triển của lực lượng sản xuât và tính chất của nền kinh tế. Những khu vực có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng tốt, lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời, … là những nơi đông dân và ngược lại.
Hình 17.1. Bản đồ phân bố dân cư trên thế giới năm 2020
1.2. Đô thị hóa
a. Khái niệm và các nhân tố tác động đến đô thị hoá
Đô thị hoá là quá trình mở rộng và phát triển mạng lưới đô thị, tập trung dân cư ngày càng đông vào các đô thị, phổ biến ngày càng rộng rãi lối có sống đô thị.
Các nhân tố tác động đến đô thị hóa:
– Vị trí địa lí sẽ tạo động lực phát triển đô thị và quy định chức năng đô thị.
– Điều kiện tự nhiên như: Địa hình, đất, khí hậu, nguồn nước, khoáng sản, … có tác động đến:
+ Bố trí cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
+ Khả năng mở rộng không gian đô thị.
+ Chức năng, bản sắc đô thị.
– Các điều kiện kinh tế – xã hội như: Dân cư, trình độ phát triển kinh tế, cơ sở vật chất – kĩ thuật, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, … có tác động đến
+ Mức độ và tốc độ đô thị hoá
+ Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, lối sống, …
+ Quy mô và chức năng đô thị.
+ Hình thành hệ thống đô thị toàn cầu.
b. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến kinh tế, xã hội và môi trường
– Đô thị hoá góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thay đổi cơ cấu lao động, phổ biến văn hoá và lối sống đô thị; mở rộng không gian đô thị, hình thành môi trường đô thị với chất lượng ngày càng cải thiện (trong lành, an toàn, tiện nghi); …
– Tuy nhiên, đô thị hoá nếu vượt quá tầm kiểm soát, không gắn liên với công nghiệp họá sẽ gây ra nhiều hậu quả, làm cho cơ sở hạ tầng đô thị quá tải; gây sức ép đối với vấn đề việc làm, nhà ở và gía tăng tệ nạn xã hội; chất lượng môi trường không đảm bảo.