1.1. Ôn lại biểu đồ, sơ đồ trong văn bản thông tin
– Các biểu đồ, sơ đồ giúp các thông tin trong văn bản trở nên cụ thể, trực quan, đồng thời cho thấy mối quan hệ logic giữa các thông tin
– Có rất nhiều dạng biểu đồ, sơ đồ: biểu đồ tròn thể hiện vòng tuần hoàn của các sự vật, hiện tượng, sơ đồ Venn dùng để so sánh, biểu đồ thời gian dùng để biểu đạt sự phát triển; sơ đồ cây thể hiện hệ thống cấp bậc của thông tin;…
1.2. Ôn lại cách viết bài luận về bản thân
1.2.1. Các yêu cầu của viết bài luận về bản thân
– Xác định rõ luận đề của bài viết
– Thể hiện được cá tính, thiên hướng, lựa chọn, niềm tin, quan điểm riêng của bản thân
– Sử dụng bằng chứng là những sự kiện, kinh nghiệm mà người viết đã thực sự trải qua
– Có giọng điệu riêng, thể hiện cảm xúc chân thành của người viết, thuyết phục, truyền cảm hứng và gợi suy ngẫm cho người đọc
1.2.2. Quy trình viết bài luận về bản thân
a. Chuẩn bị viết
– Huy động trải nghiệm: Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm ý tưởng cho bài viết bằng cách đặt câu hỏi như: Trải nghiệm nào trong cuộc sống là đáng nhớ và có ý nghĩa đối với tôi? Trải nghiệm đó giúp tôi nhận ra điều gì về bản thân và cuộc sống? Tôi đã thay đổi như thế nào sau trải nghiệm đó?
– Suy nghĩ về bản thân: Quan niệm sống của bạn là gì, đầu là giá trị mà bạn muốn theo đuổi, thế mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
– Hãy tóm tắt những thông tin đó dưới dạng các từ khoá
b. Tìm ý, lập dàn ý
– Từ những gợi ý ở phần Chuẩn bị viết, hãy xác định những ý cơ bản sẽ sử dụng
– Một bài luận về bản thân thường có 3 phần với cấu trúc phổ biến như sau:
+ Mở bài: Nêu thông điệp chính của bài viết xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của bản thân.
+ Thân bài: Tuỳ vào mục đích của bài luận về bản thân, bạn có thể triển khai phần thân bài theo nhiều cách khác nhau:
- Thể hiện suy nghĩ về cuộc sống từ những sự kiện có thực mà mình đã trải qua
- Làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân dựa trên những bằng chứng xác thực, đáng tin cậy
+ Kết bài: Nhắc lại những điểm chính trong bài viết, nêu lên suy ngẫm, bài học từ những trải nghiệm của bản thân, kêu gọi hành động, gợi mở suy nghĩ cho người đọc
c. Viết
– Lựa chọn văn phong: một bài luận về bản thân cần phải thể hiện rõ nét cá tính của người viết và gây ấn tượng với người đọc
– Hình dung bạn đang đối thoại với độc giả, suy nghĩ về cảm xúc bạn muốn truyền tải để lựa chọn văn phong cho phù hợp
– Có thể sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,… đề gia tăng sức hấp dẫn của bài viết
d. Chỉnh sửa, hoàn thiện
Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện bài viết theo các tiêu chí sau:
– Bài viết đã thể hiện rõ quan điểm, phát hiện riêng của bạn về cuộc sống
– Qua bài viết, người đọc có thể hình dung ra cụ thể câu chuyện của bạn
– Bài viết đã được tổ chức một cách chặt chẽ, mạch lạc
– Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả, không mắc lỗi dùng từ và đặt câu