Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Củng cố, mở rộng Bài 7 – Ngữ văn 11 Tập 2 Kết Nối Tri Thức

1.1. Ôn lại đặc trưng của thể kí

1.1.1. Khái niệm

– Kí là tên gọi một nhóm các thể/tiểu loại tác phẩm văn xuôi phi hư cấu có khả năng dung hợp các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thông tin, nhằm tái hiện những trạng thái đời sống đang được xã hội quan tâm và bộc lộ trực tiếp những cảm nghĩ của tác giả.

– Tuỳ vào mục đích, sự bộc lộ cái tôi tác giả và cách thức tổ chức các phương tiện biểu đạt mà tác phẩm kí được gọi là tuỳ bút, tản văn, phóng sự hay là kí sự, truyện kí, hồi kí, nhật kí, du kí,…

1.1.2. Tự sự và trữ tình trong tuỳ bút, tản văn

Trong tuỳ bút, tản văn, yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình luôn có sự kết hợp linh hoạt, tuỳ vào ý tưởng trung tâm được triển khai, đối tượng của sự quan sát, chiêm nghiệm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của người viết.

Tuỳ bút là tiểu loại kí có tính tự do cao, có bố cục linh hoạt, thường nghiêng hẳn về tính trữ tình với điểm tựa là cái tôi của tác giả. Người viết sẽ tuỳ cảnh, tuỳ việc, tuỳ theo cảm hứng mà trình bày, nhận xét, đánh giá, suy tưởng,… Nếu có miêu tả, kể chuyện thì đó cũng chỉ là cái cớ để giãi bày cảm xúc, suy tư trữ tình.

Tản văn là một tiểu loại kí thường sử dụng đồng thời cả yếu tố tự sự và trữ tình, có thể còn kết hợp nghị luận, miêu tả,… nhằm gợi lên những bức tranh đời sống đưa lại nhiều rung cảm thẩm mĩ. Cái tôi của tác giả luôn hiện diện rõ nét, nhưng việc triển khai những liên hệ, suy tưởng phần nào được tiết chế so với tuỳ bút.

1.1.3. Phi hư cấu và hư cấu trong truyện kí

– Truyện kí là một dạng truyện kể về người thật, việc thật. Tôn trọng sự thật đời sống, đảm bảo tính xác thực của toàn bộ sự việc được kể là đòi hỏi quan trọng hàng đầu đối với các sáng tác thuộc thể loại này. Vì điều đó, truyện kí được xếp vào loại văn học phi hư cấu.

– Tuy nhiên, yếu tố hư cấu vẫn luôn hiện diện trong truyện kí (dù được sử dụng một cách tiết chế), thể hiện ở sự sáng tạo riêng của người viết khi xử lí, tổ chức tư liệu và lựa chọn giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật thích hợp. Yếu tố hư cấu còn được thể hiện qua cách người viết hình dung, miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.

Xem chi tiết kí:

– Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường

– “Và tôi vẫn muốn mẹ…” – Svetlana Alexievich

– Cà Mau quê xứ – Trần Tuấn

1.2. Ôn lại cách viết văn bản thuyết minh về một hiện tượng xã hội

– Nêu rõ hiện tượng xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản giúp người đọc hình dung bước đầu về hiện tượng.

– Làm sáng tỏ nguyên nhân của hiện tượng, tác động tích cực hoặc tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống.

– Nêu được giải pháp phát huy hiện tượng tích cực hoặc khắc phục hiện tượng tiêu cực.

– Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh hiện tượng hoặc tác dụng của các giải pháp được đề xuất.

– Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm hoặc nghị luận.

1.3. Ôn tập cách thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

– Xác định được vấn đề cần thảo luận, tranh luận.

– Đưa ra được ý kiến, quan điểm của cá nhân khi tham gia thảo luận về vấn đề.

– Biết tranh luận với các ý kiến, quan điểm khác để bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình.

– Tôn trọng người đối thoại, có tinh thần cầu thị, lắng nghe; biết chấp nhận những ý kiến, quan điểm hợp lí, xác đáng.