1.1. Ôn lại văn học trung đại
– Văn học trung đại Việt Nam hình thành, phát triển trong khoảng thời gian từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, trong thời kì phong kiến.
– Gồm hai bộ phận văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bảng chữ Nôm.
– Có liên hệ mật thiết với nguồn mạch văn học dân gian, đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo tinh hoa của nhiều nền văn học trong khu vực, đặc biệt là văn học cổ điển Trung Hoa.
– Thể hiện rõ tinh thần yêu nước và đề cao các giá trị nhân văn, nhân đạo.
– Tính quy phạm được xem là đặc trưng nổi bật nhất trong văn học trung đại, theo đó, sáng tác văn học phải tuân theo những quy định chặt chẽ, có tính khuôn mẫu.
1.2. Ôn lại tác giả văn học trung đại
– Nền văn học trung đại Việt Nam được tạo dựng bởi các thế hệ tri thức giàu ý thức tự tôn dân tộc.
– Tác giả văn học trung đại Việt Nam hấp thụ tinh hoa văn hoá dân gian của người Việt và tiếp nhận ảnh hưởng của các hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo theo xu hướng dân tộc hoá.
– Nhiều tác giả là anh hùng dân tộc có đóng góp to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
1.3. Ôn lại thể loại cáo
– Cáo là một thể văn hành chính cổ, có nguồn gốc từ Thượng thư (Trung Quốc), do nhà vua hoặc chủ tướng ban bố một chủ trương, chính sách, sự nghiệp,…cho toàn dân chúng được biết.
– Căn cứ vào nội dung, mục đích, phạm vi ban bố, thể văn cáo có thể phân thành nhiều loại, nhưng nhìn chung, đều có ý nghĩa tuyên bố về một sự kiện trọng đại của quốc gia. – Cáo có thể viết bảng văn xuôi, văn vần, biên văn (văn biền ngẫu), thường có lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, ý tứ hùng hồn, hàm ý mệnh lệnh.
1.4. Ôn tập viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
a. Kiểu bài:
– Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại.
– Khi bàn luận, chúng ta không chỉ thể hiện ý kiến cá nhân mà còn muốn thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm của mình.
– Qua đó, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
b. Các yêu cầu khi viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội:
– Giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận.
– Nêu rõ lí do lựa chọn và quan điểm cá nhân về vấn đề xã hội cần bàn luận.
– Chứng minh quan điểm của mình bằng hệ thống luận điểm chặt chẽ, hợp lý, sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, đầy đủ.
– Biết sử dụng yếu tố biểu cảm để tăng sức thuyết phục của văn bản.
– Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận.