Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Củng cố, mở rộng Bài 5 – Ngữ văn 11 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

1.1. Ôn lại đặc trưng của thể loại kịch

1.1.1. Khái niệm

– Bi kịch là một thể loại kịch.

– Thông qua sự dàn cảnh, luân chuyển lời đối thoại, độc thoại, hành động của nhân vật trên sâu khấu, bi kịch tập trung diễn tả những xung đột hệ trọng, đạt tới mức căng thẳng tột độ giữa những mong muốn, hành động cao đẹp, hào hùng của con người với những tình thế bi đát không thể đảo ngược của thực tại hay với những trở ngại tồn tại ngay trong bản tính con người.

– Việc thắt nút, triển khai và giải quyết những xung đột như vậy làm nên cốt truyện bi kịch. Bi kịch thường kết thúc bằng thảm cảnh hay bằng cái chết của một loạt nhân vật. Trong bi kịch, việc cái đẹp, cái hùng bị thất bại đã đưa đến nỗi đau khổ cùng cực.

=> Bi kịch trở thành tiếng nói khẳng định sự bất tử của ý chí, khát vọng và chiến thắng tinh thần của con người trong cuộc đấu tranh chống lại những tình thế bi đát của thực tại và những yếu hèn của cá nhân con người.

Xem chi tiết kịch:

– Sống, hay không sống – đó là vấn đề – William Shakespeare

– Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài – Nguyễn Huy Tưởng

1.1.2. Nhân vật và xung đột trong bi kịch

Nhân vật chính trong bi kịch: mang khát vọng cao đẹp, có tính cách mạnh mẽ, có khả năng lựa chọn hành động tự do xuất phát từ chính kiến, đức tin của mình, song lựa chọn này xung đột với hoàn cảnh thực tế hoặc gặp phải những trở ngại ngay trong bản tính cố hữu. Do vậy, nhân vật chính trong bi kịch thường phải trải qua nhữngtrạng thái giằng xé, bế tắc, rơi vào những tình huống hết sức nặng nề và có kết thúc bi thảm.

Xung đột trong bi kịch: là những mâu thuẫn gay gắt giữa lựa chọn hành động tự do của nhân vật như một nhân cách mạnh mẽ với cái tất yếu vốn được thể hiện qua những thế lực như định mệnh, bản tính tự nhiên, định kiến thời đại, thực tại xã hội,..

1.1.3. Hiệu ứng thanh lọc của bi kịch

– Khi theo dõi hành động kịch căng thẳng, gay gắt, kết cục bi thảm, người tiếp nhận bi kịch có thể sợ hãi, kinh hoàng, thương cảm, xót xa như chính mình đang trải nghiệm những bế tắc trong cuộc sống cùng nhân vật.

– Sau đó, ta thấy căm ghét cái đê tiện, giả dối; ngưỡng mộ, cảm phục cái cao cả; tâm hồn như được thanh lọc, trở nên hài hoà, thăng bằng hơn.

=> Nhà triết học Hy Lạp cổ đại A-rít-xtốt (Aristotle) gọi đó là hiệu ứng thanh lọc của bi kịch.

1.2. Ôn lại cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội

– Nêu được đề tài nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo.

– Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.

– Biết thực hiện các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu, khai thác được các nguồn tham khảo đáng tin cậy.

– Biết sử dụng các trích dẫn, cước chú, tài liệu tham khảo và các phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có.

1.3. Ôn tập cách trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

– Giới thiệu được vấn đề nghiên cứu, lí do chọn vấn đề.

– Trình bày khái quát những kết quả nghiên cứu chính.

– Sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng và hấp dẫn.