Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Củng cố, mở rộng Bài 1 – Ngữ văn 11 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

1.1. Ôn lại đặc trưng thể loại truyện ngắn hiện đại

a. Khái niệm:

Truyện ngắn hiện đại là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế.

Xem chi tiết truyện ngắn:

– Vợ nhặt – Kim Lân

– Chí Phèo – Nam Cao

b. Các đặc trưng thể loại truyện ngắn hiện đại:

* Câu chuyện và truyện kể

Câu chuyện: còn được gọi là truyện gốc, đây là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian.

Truyện kể: gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật.

 

* Điểm nhìn trong truyện kể

– Để câu chuyện được kể ra, nhất thiết phải có người kể chuyện (tức người biết, nhìn thấy và kể lại câu chuyện ấy).

– Có thể phân chia điểm nhìn trong tác phẩm tự sự thành nhiều loại khác nhau như:

+ Điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể; điểm nhìn bên ngoài (miêu tả sự vật, con người ở những bình diện ngoại hiện, kể về những điều mà nhân vật không biết);

+ Điểm nhìn bên trong (kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức của nhân vật); điểm nhìn không gian (nhìn xa – nhìn gần);

+ Điểm nhìn thời gian (nhìn từ thời điểm hiện tại, miêu tả sự việc như nó đang diễn ra hay nhìn lại quá khứ, để lại qua lăng kính hồi ức,…).

 

* Lời kể chuyện và lời nhân vật

– Lời kể chuyện: gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức và giọng điệu của người kể chuyện.

Lời nhân vật: là ngôn ngữ độc thoại hay đối thoại gắn với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật.

1.2. Ôn lại đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

– Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ): là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác. Ngôn ngữ nói gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người trong đời sống thường nhật như trò chuyện ở gia đình, nhà trường, nhà máy, công sở,…; phát biểu trong giờ học, cuộc họp, hội thảo; trao đổi khi mua bán ở chợ, siêu thị;…

– Ngôn ngữ viết: là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, được dùng trong sách, báo, văn bản hành chính, thư từ,… Ngôn ngữ viết tồn tại trong các văn bản xuất hiện dưới nhiều hình thức vật thể khác nhau: bản viết tay, bảnh đánh máy, bản in, bản chữ nổi dành cho người khiếm thị,…

1.3. Ôn lại cách viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện

– Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

– Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

– Triển khai các luận điểm, luận cứ, cần thể hiện cảm xúc, ý kiến riêng của người viết.

– Nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện.