Hình 1. Một số công việc trong lĩnh vực cơ khí chế tạo
1.1. Thiết kế sản phẩm cơ khí
Hình 2. Hoạt động thiết kế cơ khí chế tạo
Thiết kế sản phẩm cơ khí là việc nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức về toán học, khoa học và kĩ thuật vào việc chọn vật liệu, thiết kế tính toán kích thước và các thông số của các chi tiết máy để đảm bảo yêu cầu kinh tế – kĩ thuật đặt ra. |
– Ví dụ như xác định hình dáng kết cấu, tính toán kích thước, thông số kĩ thuật, lựa chọn vật liệu,… của các trục của một hộp giảm tốc trong một bộ truyền động.
– Thiết kế sản phẩm cơ khí đòi hỏi người thực hiện thiết kế phải lập kế hoạch thiết kế theo đúng tiến độ yêu cầu.
– Người thực hiện nhóm công việc này phải có các kiến thức chuyên môn sâu liên quan đến quy trình sản xuất cơ khí, truyền động, lắp ghép các chi tiết; am hiểu các vấn đề kĩ thuật cơ khí.
– Các nghề nghiệp thực hiện nhóm công việc này là kĩ sư kĩ thuật cơ khí, kĩ sư cơ điện tử,…
– Người thực hiện nhóm công việc này cần được đào tạo chuyên ngành như:
+ Công nghệ kĩ thuật cơ khí;
+ Công nghệ chế tạo máy;
+ Công nghệ kĩ thuật cơ điện tử;
+ Công nghệ kĩ thuật nhiệt;
– Nhóm ngành kĩ thuật cơ khí và cơ kĩ thuật gồm các ngành: kĩ thuật cơ khí, kĩ thuật cơ điện tử, kĩ thuật nhiệt,…
1.2. Gia công cơ khí
Hình 3. Hoạt động gia công cơ khí
Gia công cơ khí là quá trình chế tạo ra sản phẩm cơ khí. Đó là việc sử dụng các máy, công cụ, công nghệ và áp dụng các nguyên lí vật lí để tạo ra các thành phẩm từ vật liệu ban đầu. Hiện nay có nhiều phương pháp gia công cơ khí khác nhau như: đúc, hàn, rèn, khoan, tiện, phay, cắt laser,… Tuỳ thuộc vào yêu cầu kĩ thuật của sản phẩm mà người ta sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp gia công khác nhau. |
– Nhóm công việc gia công cơ khí đòi hỏi người thực hiện thiết lập chế độ làm việc và vận hành các máy công cụ khác nhau để chế tạo ra sản phẩm cơ khí theo đúng yêu cầu kĩ thuật, đạt năng suất và an toàn.
– Nhóm công việc gia công cơ khí đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức và kinh nghiệm trong sử dụng các máy công cụ thông dụng.
– Các nghề thực hiện nhóm công việc này gồm thợ cắt gọt kim loại, thợ hàn, thợ rèn dập,…
– Người thực hiện nhóm công việc này cần đào tạo chuyên ngành, nghề như: cắt gọt kim loại, vận hành máy công cụ,…
1.3. Lắp ráp sản phẩm cơ khí
Hình 4. Hoạt động lắp ráp sản phẩm cơ khí
Sản phẩm cơ khí là tổ hợp của nhiều chi tiết. Quá trình gia công cơ khí là giai đoạn chủ yếu của quá trình sản xuất nhằm chế tạo được các chi tiết đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật đề ra. Lắp ráp là giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất nhằm tổ hợp các chi tiết thành thiết bị hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. |
– Nhóm công việc lắp ráp các sản phẩm cơ khí đòi hỏi người thực hiện phải căn cứ vào bản vẽ lắp sản phẩm để thiết kế quy trình công nghệ lắp hợp lí và tìm ra các biện pháp kĩ thuật để lắp ráp nhằm đảm bảo các yêu cầu.
– Nhóm công việc lắp ráp các sản phẩm cơ khí đòi hỏi người thực hiện có các kiến thức chuyên môn liên quan đến quy trình sản xuất cơ khí, truyền động, lắp ghép các chi tiết; hiểu biết kĩ thuật gia công cơ khí; có sức khoẻ, có trình độ phù hợp.
– Các nghề thực hiện nhóm công việc này gồm: kĩ sư, kĩ thuật viên kĩ thuật cơ khí, kĩ thuật viên máy, công cụ,…
– Người thực hiện nhóm công việc này cần được đào tạo theo các nhóm ngành công nghệ kĩ thuật cơ khí như:
+ Công nghệ kĩ thuật cơ khí;
+ Công nghệ chế tạo máy;
+ Công nghệ kĩ thuật nhiệt;
+ Công nghệ hàn;
– Nhóm ngành kĩ thuật cơ khí và cơ kĩ thuật gồm các ngành:
+ Chế tạo thiết bị cơ khí;
+ Lắp đặt thiết bị lạnh;
+ Cắt gọt kim loại, hàn, rèn dập nguội chế tạo,…
1.4. Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị cơ khí
Hình 5. Hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị cơ khí
Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị cơ khí là các công việc chăm sóc, thực hiện kiểm tra, chẩn đoán trạng thái kĩ thuật, theo dõi thường xuyên, ngăn ngừa hỏng hóc, xử lí sự cố, sửa chữa các sai hỏng nhằm duy trì sự hoạt động ổn định, đảm bảo độ tin cậy, an toàn và kéo dài tuổi thọ của các thiết bị cơ khí (Hình 2.6). |
– Người thực hiện nhóm công việc này phải có hiểu biết về nguyên lí hoạt động của các thiết bị cơ khí; có kiến thức chuyên sâu, chẩn đoán và xử lí hư hỏng các thiết bị cơ khí.
– Các nghề nghiệp thực hiện nhóm công việc này gồm: kĩ sư, kĩ thuật viên kĩ thuật cơ khí, kĩ thuật viên máy,…
– Người thực hiện nhóm công việc này cần được đào tạo theo các chuyên ngành phù hợp như:
+ Kĩ thuật cơ khí;
+ Kĩ thuật nhiệt;
+ Kĩ thuật cơ điện tử,…