1.1. Khái niệm, vai trò của cơ khí chế tạo
a. Cơ khí chế tạo
Cơ khí chế tạo là ngành Kĩ thuật công nghệ sử dụng các kiến thức của Toán học, nguyên lí của Vật lí, các kết quả của công nghệ vật liệu để nghiên cứu và thực hiện quá trình thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các máy, thiết bị, chỉ tiết phục vụ cho sản xuất và đời sống của con người. |
b. Vai trò của cơ khí chế tạo
Vai trò của cơ khí chế tạo trong đời sống và sản xuất gồm:
– Chế tạo ra các công cụ, máy giúp cho lao động trở nên nhẹ nhàng, nâng cao năng suất lao động, thay thế cho lao động thủ công.
– Chế tạo ra các đồ dùng, dụng cụ giúp cuộc sống của con người trở nên tiện nghi và thú vị, nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Chế tạo ra các thiết bị, máy và công cụ phục vụ nghiên cứu, chinh phục thiên nhiên, vũ trụ.
Hình 1. Các sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo trong sản xuất và đời sống
1.2. Đặc điểm của cơ khí chế tạo
– Đối tượng lao động của ngành cơ khí chế tạo là các vật liệu cơ khí gồm vật liệu kim loại và hợp kim; vật liệu phi kim loại và một số loại vật liệu khác.
– Công cụ lao động của ngành cơ khí chế tạo là các máy công cụ như tiện, phay, bào, hàn,… để thực hiện các phương pháp gia công như tiện, phay, bào, hàn,…
– Để sản xuất ra sản phẩm trong ngành cơ khí chế tạo đòi hỏi phải có hồ sơ kĩ thuật gồm các bản vẽ kĩ thuật, quy trình gia công sản phẩm,…
– Các sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo rất phổ biến, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội cũng như lao động, sản xuất (Hình 2a – e),…
– Phần lớn sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo là các chi tiết máy của các máy móc sản xuất (Hình 2g). Các sản phẩm này đòi hỏi rất nhiều yêu cầu kĩ thuật như độ chính xác kích thước, độ bóng bề mặt,…
Hình 2. Các sản phẩm bằng kim loại của ngành cơ khí chế tạo
1.3. Các bước cơ bản trong chế tạo cơ khí
Bước 1: Đọc bản vẽ chi tiết
Nghiên cứu bản vẽ chi tiết, tìm hiểu chức năng làm việc và phân loại chi tiết, các yêu cầu kĩ thuật cần đạt, tính công nghệ khi chế tạo của chi tiết.
Bước 2: Chế tạo phôi
– Phôi được hiểu là khối vật liệu ban đầu được dùng để chế tạo chi tiết.
– Muốn chế tạo một chi tiết máy đạt yêu cầu kĩ thuật và chỉ tiêu kinh tế cần phải chọn phương pháp chế tạo phôi và xác định kích thước phôi phù hợp.
– Để chế tạo phôi, thường sử dụng 3 phương pháp thông dụng là: phương pháp đúc; phương pháp gia công bằng áp lực; phương pháp hàn, cắt.
– Cơ tính của phôi sau khi chế tạo cần phù hợp với đặc điểm của các phương pháp gia công chế tạo chi tiết.
Bước 3: Thực hiện gia công các chi tiết máy của sản phẩm
Lập quy trình công nghệ gia công chi tiết; chọn thiết bị, dụng cụ cắt, dụng cụ giá lắp, dụng cụ kiểm tra,..; xác định chế độ cắt cho các nguyên công, các bước,…; xác định bậc thợ cho các nguyên công và tiến hành gia công sản phẩm theo bản vẽ chi tiết.
Bước 4: Xử lí và bảo vệ bề mặt của sản phẩm
Xử lí bề mặt là tạo cho sản phẩm những tính chất mới như: chống gỉ, chống mài mòn; chịu nhiệt; dẫn điện, dẫn nhiệt,… bằng công nghệ thích hợp.
Bước 5: Lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm
– Để hoàn thiện một sản phẩm, dựa vào bản vẽ lắp, tiến hành lắp ráp các chi tiết máy lại thành một tổng thể hoàn chỉnh.
– Sau đó, sản phẩm cần phải được kiểm tra về các đặc tính kĩ thuật trước khi đưa vào hoạt động.