Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Chí khí anh hùng – Nguyễn Công Trứ – Ngữ văn 11 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Nguyễn Công Trứ

a. Cuộc đời:

– Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn.

– Quê: người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

– Khi quân đội Tây Sơn ra Bắc chiếm Thăng Long, Nguyễn Công Tấn xướng nghĩa cần vương chống lại, không thành, ông đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Nguyễn Huệ mấy lần mời ra làm quan, ông đều từ chối.

– Năm 1819, ông thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan.

– Năm 1820 Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức khác nhau.

– Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông được về hưu hẳn.

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)

 

b. Sự nghiệp sáng tác:

– Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là cuộc đời của một người say mê hoạt động, là nhà thơ có một vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam.

– Thơ văn của ông mang màu sắc thời đại rõ rệt. Nhìn tổng quát thơ văn Nguyễn Công Trứ tập trung vào ba chủ đề chính:

+ Chí nam nhi.

+ Cảnh nghèo và thế thái nhân tình.

+ Triết lý hưởng lạc.

1.1.2. Tác phẩm

a. Thể loại:

– Bài thơ Chí khí anh hùng – Nguyễn Công Trứ thuộc thể loại thơ bảy chữ.

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

– In trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14, Đặng Đức Siêu biên soạn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 1084.

c. Bố cục văn bản:

Khổ 1: Từ “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc” đến “Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể” – Chí làm trai theo quan niệm của người xưa.

Khổ 2: Tiếp đến “Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ” – Quan niệm sống đẹp của Nguyễn Công Trứ.

Khổ 3: Tiếp đến “Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” – Hành động thể hiện chí khí anh hùng.

Khổ 4: Còn lại – Niềm vui sướng và tự hào của kẻ sĩ sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với đời.

d. Tóm tắt tác phẩm:

Chí khí anh hùng của Nguyễn Công Trứ thể hiện chính con người và suy nghĩ của ông. Là đấng nam nhi thì phải có chí anh hùng: khao khát đua tranh, vẫy vùng lập công danh, làm nên sự nghiệp lớn “lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh”. 

1.2. Đọc hiểu văn bản

1.2.1. Chí làm trai theo quan niệm của người xưa

“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,

Nợ tang bồng vay trả, trả vay.”

– Theo quan niệm của người xưa, người con trai sinh ra ở đời, đầu đội trời, chân đạp đất là phải mang “nợ tang bồng”. 

+ Tang là cây dâu, bồng là cỏ bồng, nghĩa đen là cung tên

– Nợ tang bồng là nợ lớn của đấng nam nhi: phải có chí lớn ở bốn phương, tung hoành giữa trời đất, ra sức giúp nước, trả ơn vua, trả nợ đời. Không thể sống ru rú trong xó nhà. Không thể quẩn quanh, mang thói nữ nhi thường tình. Phải đem tài trí đua tranh với đời.

“Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể.”

– Người có chí nam nhi, có chí anh hùng thì trường đua tranh vô cùng rộng lớn mang tầm vóc vũ trụ:

+ “vòng trời đất”, “nam, bắc, đông, tây” “trong bốn bể” mang “nợ tang bồng” thì phải hết sức sòng phẳng, nghĩa là có “vay” thì phải có “trả”.

+ “Ngang dọc dọc ngang” chỉ sự tung hoành đó đây; ngoài ra còn phải “vẫy vùng” đè sóng cưỡi gió, đem tài năng thi thố với thiên hạ.

=> Nhận xét:

– Nhà thơ làm hiện lên trước mắt người đọc, người nghe hình ảnh một đấng nam nhi đang tung hoành, vùng vẫy trong “vòng trời đất”.

– Thơ đầy nhạc, lôi cuốn, hấp dẫn.

– Nghệ thuật láy âm, điệp từ, luyến láy rất tài tình: “dọc ngang ngang dọc”, “vay giả già vay”.

1.2.2. Quan niệm sống đẹp của Nguyễn Công Trứ

“Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ,

Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh.

Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh

Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ”

– Khổ thơ có giá trị như một tuyên ngôn, thể hiện một quan niệm sống đẹp:

+ Con người sinh ra ở đời, ai mà chẳng có một nghề, một công việc để mưu sinh “Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ”. Nhưng điều quan trọng nhất là phải biết làm nên công danh sự nghiệp để lại tấm lòng son (đan tâm) trong sử sách, để lại tiếng thơm cho muôn đời.

+ Không nên lấy thành, bại, vinh, nhục để bàn luận anh hùng một cách vội vã, phiến diện. Cũng không nên xem thường người anh hùng khi chưa gặp thời thế “Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ”.

=> Nhận xét: Trên đây là những lời tâm huyết của Nguyễn Công Trứ muốn nhắn gửi lại cho mai hậu.

1.2.3. Hành động thể hiện chí khí anh hùng

– Giọng điệu thơ mang âm hưởng anh hùng ca thể hiện rõ chí anh hùng bằng những hành động, những việc làm cụ thể:  

“Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ

Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”

– Ngôn ngữ thơ trang trọng cổ kính. Hình tượng thơ mang tính chất ước lệ tượng trưng, lấy cái kì vĩ, tráng lệ để nói lên khát vọng công danh, chí nam nhi, chí anh hùng:

+ “Mây tuôn sống vỗ”, “buồm lái trận cuồng phong” là hai hình ảnh tượng trưng nói lên cảnh ngộ đất nước gặp buổi khó khăn; loạn lạc và cách ứng xử của người anh hùng đứng trước thời cuộc, quyết đem tài năng và khí phách dẹp loạn, cứu nguy cho đời, làm sáng ngời lòng trung quân ái quốc.

“Xẻ núi lấp sông” tượng trưng cho những công việc phi thường, những sự việc to lớn, làm rạng rỡ quê hương xứ sở. 

=> Nhận xét:  Nguyễn Công Trứ sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh ước lệ ấy, ông đã đặt đúng chỗ, nói đúng lúc, diễn tả một cách hùng hồn, lôi cuốn, chấn động cái chí khí kẻ sĩ của mình.

1.2.4. Niềm vui sướng và tự hào của kẻ sĩ sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với đời

– Theo thi pháp cổ gọi là khổ xếp, chỉ có 3 câu, câu cuối cùng gọi là câu keo, chỉ có sáu từ:

“Đường mây rộng thênh thênh cử bộ

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.”

+ “Đường mây” là hình ảnh ẩn dụ, lấy từ câu chữ “thanh vân chí thượng” (lên đến tận mây xanh) ý nói thi đỗ, có địa vị cao sang, lập được công danh.

“Thênh thênh cử bộ” nghĩa là bước đi thênh thênh, ung dung trên con đường công danh

– Nếu ở khổ đầu tác giả viết “Nợ tang bồng vay giả giả vay” thì đến khổ cuối lại viết “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”.

=> Nhận xét:

– Ta thấy dưới ngòi bút của Nguyễn Công Trứ, ngôn ngữ thơ vừa hình tượng, biểu cảm vừa mang tính hệ thống chặt chẽ. “vỗ tay reo”, “thành thơi’ chỉ niềm vui hân hoan, toại nguyện, thảnh thơi ung dung với “thơ túi rượu bầu”, sống tại cuộc đời của những tao nhân mặc khách.

– Giọng thơ trở nên nhẹ nhàng, thư thái diễn tả niềm vui sướng và tự hào của kẻ sĩ sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với đời, đã trang trải hết nợ tang bồng. Và lúc ấy, có quyền được thảnh thơi vui sướng “thơ túi rượu bầu”, thưởng thức trăng thanh gió mát. có người cho đó là hưởng lạc.

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

Bài thơ Chí khí anh hùng của Nguyễn Công Trứ thể hiện rõ quan điểm chí nam nhi: là kẻ sĩ trong cõi đời phải làm nên sự nghiệp to lớn, để lại công đức, danh tiếng cho đất nước, quê hương.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Ngôn ngữ thơ trang trọng cổ kính.

– Hình tượng thơ mang tính chất ước lệ tượng trưng, lấy cái kì vĩ, tráng lệ để nói lên khát vọng công danh, chí nam nhi, chí anh hùng

–  Nghệ thuật láy âm, điệp từ, luyến láy rất tài tình.

– Thơ đầy nhạc lôi cuốn, hấp dẫn.