Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Lí ngựa ô ở hai vùng đất – Phạm Ngọc Cảnh – Ngữ văn 10 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả Phạm Ngọc Cảnh

– Phạm Ngọc Cảnh (20/7/1934 – 2014) là tên khai sinh, sinh tại thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện sống ở Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1974). Ông còn có bút danh Vũ Ngàn Chi.

– Ông sinh trưởng trong một gia đình tiểu thị dân, Phạm Ngọc Cảnh được cha mẹ cho ăn học tử tế.

– Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Ngọc Cảnh mới 12 tuổi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên, rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của trung đoàn 103 Hà Tĩnh rồi trở thành diễn viên kịch nói.

– Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ở đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, từng biểu diễn giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Về sau ông là diễn viên trụ cột của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.

– Cuộc đời vẫn có những nẻo đi bất ngờ. Làm diễn viên nhưng ông say mê sáng tác thơ. Vì vậy ông được điều về tạp chí Văn nghệ quân đội là biên tập thơ, rồi cán bộ sáng tác của tạp chí trong 20 năm lại đây. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết kịch phim, đọc lời bình, dẫn các chương trình thơ trên sóng phát thanh, truyền hình và đóng một số vai phụ trong các phim.

– Tác phẩm đã xuất bản:

+ Gió vào trận bão (thơ, in chung, 1967)

+ Đêm Quảng Trị (thơ, ký tên Vũ Ngàn Chi, 1972)

+ Ngọn lửa dòng sông (thơ, 1976)

+ Một tiếng Xamakhi (thơ, in chung với Duy Khán, 1981)

+ Lối vào phía Bắc (thơ, 1982)

+ Trăng sau rằm (thơ, 1985)

+ Đất hai vùng (thơ, 1986)

+ Miền hương lặng (thơ, 1992)

+ Nhặt lá (thơ, 1995)

+ Góc núi xôn xao (bút ký, 1999)

+ Bài hát về cây ngải cứu (bút ký, 2000)

1.1.2. Tác phẩm Lí ngựa ô ở hai vùng đất

a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

– Xuất xứ: trích trong tập Đêm Quảng Trị

– Hoàn cảnh sáng tác: ra đời trong một mạch văn hào sảng khí thế của người lính trận

b. Thể loại

– Thể thơ tự do.

c. Bố cục 

Có thể chia làm 2 phần:

– Phần 1: Câu hát ở làng anh

– Phần 2: Câu hát ở làng em

1.2. Đọc hiểu văn bản 

1.2.1. Câu hát ở làng anh

– “Làng anh ở ven sông”: hát vào tháng Tư khi chuẩn bị hội Gióng.

– Câu hát Lí ngựa ô ở ”làng anh” hát theo đường đánh giặc, ai nghe cũng ngỡ mình đang đi trong mây, chẳng ai tin mình đang giong ngựa sắt.

– Có thể thấy thời điểm “làng anh” là đang đi lính, ra trận.

1.2.2. Câu hát ở làng em

– Bên em: “móng ngựa gõ mê say”, “qua phá rộng duềnh doàng lên đợt sóng”.

– Ở bên em, câu hát Lí ngựa ô như một lời mời gọi, mang cảm giác mộc mạc của làng quê, sông nước miền Trung.

1.2.3. Vẻ đẹp ý nghĩa của những câu hát

– Những câu lí, câu hò và ca dao, dân ca nói chung như thể hiện vẻ đẹp, khát vọng của người dân.

– Họ đưa vào đó những mong ước, khát khao về sự yên bình, tình yêu lứa đôi, những tâm tư tình cảm.

– Cùng với đó là lòng yêu quê hương, đất nước

1.3. Tổng kết

1.3.1. Về nội dung

– Văn bản nói về giai điệu lí ngựa ô tuy thân thuộc mà khác nhau giữa hai vùng đất. Mỗi câu lí lại chứa đựng những tâm tư, tình cảm khác nhau.

1.3.2. Về nghệ thuật

– Vận dụng lối hát đối đáp của những câu lý, điệu hò.

– Thể thơ tự do, kết hợp giữa mạch tự sự và mạch trữ tình.