1.1. Ôn tập kiến thức các văn bản đã học
* Chủ thể trữ tình là chủ thể của tiếng nói trữ tình trong bài thơ. Đọc thơ trữ tình, trước mắt ta không chỉ xuất hiện những cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt, những con người, sự kiện mà còn gợi lên hình tượng một ai đó đang ngắm, nhìn, đang rung động, suy tưởng về chúng, về cuộc sống nói chung. Hình tượng ấy chính là chủ thể trữ tình trong thơ. Chủ thể trữ tình thường xuất hiện trực tiếp với các đại từ nhân xưng: “tôi”, “ta”, “chúng ta”, “anh”, “em”,… hoặc nhập vai vào một nhân vật nào đó, cũng có thể là “chủ thể ẩn”. Các hình thức xuất hiện nêu trên của chủ thể trữ tình cũng có thể thay đổi, xen kẽ trong một bài thơ.
* Vần và nhịp là những yếu tố quan trọng tạo nên nhạc điệu trong thơ:
– Vần tạo cho lời thơ một sự kết dính âm vang đầy ấn tượng, đồng thời làm cho thơ dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Cách gieo vần phụ thuộc vào yêu cầu và quy cách riêng của mỗi thể thơ. Nhưng nói chung, xét về vị trí xuất hiện, có cần chân (cước vận) là vần giữa các chữ ở cuối dòng thơ; cần lưng (yêu vận) là vần giữa chữ cuối của dòng trước với chữ ở gần cuối hay ở khoảng giữa của dòng thơ sau, hoặc giữa các chữ ngay trong một dòng thơ. Xét về thanh điệu, có vần thanh trắc (T) và vần thanh bằng (B).
– Nhịp (hay ngắt nhịp) là cách tổ chức sắp xếp sự vận động của lời thơ, thể hiện qua các chỗ dừng, chỗ nghỉ khi đọc bài thơ. Nhịp thơ là yếu tố cơ bản nhất của nhịp điệu. Nhịp thơ được tạo nên chủ yếu bởi cách ngắt dòng và cách ngắt nhịp trong từng dòng thơ, câu thơ.
– Trước hết, ngắt nhịp liên quan đến cách xuống dòng. Diều này phụ thuộc vào số lượng chữ của dòng thơ. Ví dụ: thơ lục bát luân phiên ngắt dòng 6 – 8, thơ song thất lục bát luân phiên ngắt dòng 7 -7 – 6 – 8; các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ,7 chữ, 8 chữ,… đều có nhịp ngắt dòng riêng. Với thơ tự do, cách ngắt nhịp theo dòng rất đa dạng, bởi số tiếng trong mỗi dòng thơ không bị ràng buộc chặt chẽ.
– Thứ đến, nhịp thơ còn toát ra từ cách ngắt nhịp trong từng dòng thơ, câu thơ. Ví dụ: thơ 7 chữ thường ngắt nhịp 4/3, thơ 5 chữ thường nhắt nhịp 2/3; việc thay đổi cách ngắt nhịp quen thuộc trong dòng thơ thường là có dụng ý: cũng là câu thơ lục bát nhưng cách ngắt nhịp khác nhau tạo nên hiệu quả khác nhau.
* Từ ngữ, hình ảnh trong thơ mang lại sức gợi cảm lớn, có khả năng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Hình ảnh trong thơ thường được tạo ra bằng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ,… nhằm tạo nên sức truyền cảm, sự phong phú, bóng bẩy cho ý thơ.
1.2. Ôn lại yêu cầu và cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ
1.2.1. Kiểu bài
Phân tích, đánh giá một bài thơ: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ ấy.
1.2.2. Các yêu cầu
– Về nội dung:
+ Xác định được chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề bài thơ.
+ Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, kết cấu, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…
– Về kĩ năng:
+ Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về bài thơ.
+ Có bằng chứng tin cậy từ bài thơ.
+ Diễn đạt mạch lạc, sử dụng được các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
1.3. Cách làm
– Mở bài: giới thiệu bài thơ và tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
– Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.
– Kết bài: khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ tác động của bài thơ đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.