1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Đặc điểm của sử thi
– Sử thi là một thể loại tự sự dân gian ra đời từ thời cổ đại, thường kết hợp lời thơ với văn xuôi, kể lại những sự kiện quan trọng trong đời sống của cộng đồng thông qua việc tôn vinh, ca ngợi chiến công, kì tích của người anh hùng.
– Thời gian – không gian sử thi thuộc về quá khứ “một đi không trở lại” của cộng đồng, thường gắn với xã hội cổ đại hoặc xã hội phong kiến. Không gian thường mở ra theo những cuộc phiêu lưu gắn với các kì tích của người anh hùng.
– Nhân vật anh hùng sử thi là hiện thân cho cộng đồng, thường hội tụ những đặc điểm nổi bật như sức mạnh, tài năng, luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy, lập nên những kì tích, uy danh lẫy lừng.
– Cốt truyện sử thi được tổ chức theo quan hệ xung đột giữa con người với thần quyền, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác.
– Lời của người kể chuyện và lời của nhân vật sử thi thường ở ngôi thứ ba, thể hiện thái độ tôn vinh, ngợi ca người anh hùng có công với cộng đồng.
– Thái độ, cảm xúc của người kể chuyện thể hiện sự trang nghiêm, thành kính đối với sự kiện, nhân vật.
– Cảm hứng chủ đạo của sự thi thường là tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm văn học gọi là cảm hứng chủ đạo.
– Bối cảnh lịch sử – văn hoá gắn liền với một bối cảnh lịch sử-văn hoá nhất định.
1.1.2. Từ khó
– Lồ ô: một loại tre rừng, thân thẳng, đốt dài, có thành mỏng.
– Chim ghếch: tên một loại chim rừng.
1.1.3. Vị trí đoạn trích
– Đăm Săn (Bài ca chàng Đăm Săn; Klei khan Đăm Săn), dài 2077 câu, gồm 7 chương, là sử thi truyền miệng lâu đời của dân tộc Ê-đê, thể hiện đậm nét truyền thống lịch sử, văn hoá của đồng bào Tây Nguyên.
– Đoạn trích Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây thuộc chương IV của sử thi Đăm Săn.
1.1.4. Bố cục
– Phần 1: Từ đầu đến “Cuối cùng hắn ngã lăn quay ra đất”: Cảnh trận đánh giữa hai tù trưởng với phần thắng thuộc về Đăm Săn.
– Phần 2: tiếp đến “Họ đến bãi ngoài làng, rồi vào làng”: Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.
– Phần 3 (Còn lại): Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Hình tượng Đăm Săn trong trận chiến với Mtao Mxây
* Khi vào cuộc chiến
– Hiệp một:
+ Trong khi Mtao Mxây múa khiên trước, Đăm Săn vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên -> Điều này thể hiện bản lĩnh của chàng.
+ Mtao Mxây đã lộ rõ sự kém cỏi nhưng vẫn nói những lời huênh hoang.
– Hiệp hai:
+ Đăm Săn múa khiên làm cho Mtao Mxây hốt hoảng trốn chạy với bước cao bước thấp -> thể hiện sức mạnh cả Đăm Săn và sự yếu sức của Mtao Mxây.
+ Mtao Mxây cầu cứu Hơ Nhị quăng cho miếng trầu -> càng yếu sức
+ Đăm Săn cướp được miến trầu -> sức mạnh của chàng tăng lên
– Hiệp ba:
+ Đăm Săn múa dũng mãnh và đuổi theo Mtao Mxây
+ Đăm Săn đâm trúng áo Mtao Mxây nhưng không thủng được áo hắn. Chàng phải cầu cứu thần linh
– Hiệp bốn:
+ Đăm Săn được thần linh giúp sức
+ Chàng đuổi theo và giết chết kẻ thù
=>Với lối mô tả song hành, lối so sánh phóng đại, Đăm Săn hơn hẳn Mtao Mxây về cả tài năng, sức lực, phẩm chất và phong độ. Đòi vợ chỉ là cái cớ, cao hơn chính là mở mang bờ cõi, làm nổi uy danh cộng đồng -> Đăm Săn là một nhân vật anh hùng sử thi đích thực
1.2.2. Thái độ của mọi người đối với chiến thắng của Đăm Săn
* Dân làng Mtao Mxây
– Ba lần Đăm Săn kêu gọi thì cả ba lần mọi người đều hưởng ứng ( số 3 tượng trưng cho số nhiều ): “Không đi sao được, tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai.”
-> Họ nhất trí xem Đăm Săn là tù trưởng, là anh hùng của họ.
– Mỗi lần đối đáp có sự khác nhau, biến đổi, phát triển
-> Qua ba lần hỏi – đáp, lòng trung thành tuyệt đối của mọi nô lệ đối với Đăm Săn ngày càng được tô đậm.
– Mọi người cùng ra về theo Đăm Săn đông vui như đi hội: “Đoàn người đông như bầy cà tông, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối.”
Dân làng cùng ra về theo Đăm Săn sau chiến thắng
– Ý nghĩa:
+ Thể hiện sự thống nhất cao độ giữa quyền lợi, khát vọng cá nhân anh hùng đối với cộng đồng, bộ tộc.
+ Thể hiện lòng yêu mến, sự tuân phục của tập thể cộng đồng đối với cá nhân anh hùng -> Đây cũng là biểu hiện của ý thức dân tộc.
* Thái độ của dân làng Đăm Săn
– Hân hoan chào đón người anh hùng chiến thắng trở về
– Đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi của tù trưởng: mở tiệc ăn mừng chiến thắng -> phấn khởi, vui mừng, tự hào
* Thái độ của các tù trưởng xung quanh
– “Nhà Đăm Săn…các vị tù trưởng đều từ phương xa đến” -> kéo đến ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn như ăn mừng chiến thắng của chính mình
=> Người anh hùng được toàn thể cộng đồng suy tôn tuyệt đối.
1.2.3. Cảnh ăn mừng chiến thắng
– Hình ảnh Đăm Săn được miêu tả hòa vào cùng với dân làng trong niềm vui chiến thắng:
+ Đông vui nhộn nhịp
+ Ăn mừng hoành tráng
– Đăm Săn hiện lên ngoài vẻ đẹp hình thể còn là sức mạnh uy vũ, vô biên trong con mắt ngưỡng mộ của dân làng -> cách miêu tả phóng đại tạo ấn tượng với độc giả.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Văn bản ca ngợi chiến thắng vẻ vang của người anh hùng Đăm Săn, trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
1.3.2. Về nghệ thuật
– Nghệ thuật so sánh, phóng đại.
– Các hình ảnh, sự vật được đem ra làm chuẩn so sánh được lấy từ thế giới thiên nhiên, từ vũ trụ bao la.