Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Ôn tập Bài 1 – Ngữ văn 10 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

1.1. Ôn lại thể loại thần thoại

– Cho đến nay, thần thoại đã bị mai một ít nhiều nhưng vẫn là một di sản phong phú với hàng trăm truyện kể của người kinh và các dân tộc thiểu số.

– Trong một số bộ sách mang tính chất sưu tầm, tuyển tập, nhiều thần thoại đã được đặt lẫn với các truyền thuyết, cổ tích, do vậy, màu sắc riêng của thần thoại ít nhiều bị làm mờ nhạt.

– Thần thoại Việt Nam gồm có hai nhóm:

+ Thần thoại suy nguyên:

  • Có cách hình dung, lí giải về sự hình thành thế giới tự nhiên, nguồn gốc con người và vạn vật rất gần gũi với các hệ thống thần thoại
  • Nhân vật chính là các vị thần sáng tạo thế giới: trời đất, mặt trời, mặt trăng, sông biển, mưa gió, sấm, sét, muôn loài.

+ Thần thoại sáng tạo:

  • Nhân vật chính là các anh hùng thần thoại, anh hùng văn hóa
  • Kì tích của họ phản ánh vẻ đẹp riêng của cuộc sống lao động, tín ngưỡng và văn hóa của từng cộng đồng.

1.2. Đặc điểm thần thoại trong từng văn bản

1.2.1. Thần Trụ Trời

+ Không gian: trời và đất => không gian vũ trụ, không thể hiện một địa điểm cụ thể.

+ Thời gian: “thuở ấy” => thời gian mang tính chất cổ xưa, không rõ ràng.

+ Cốt truyện: xoay quanh việc thần Trụ trời trong quá trình tạo lập nên trời và đất.

+ Nhân vật: thần Trụ trời có vóc dáng khổng lồ và sức mạnh phi thường để thực hiện nhiệm vụ của mình là sáng tạp ra thế giới.

1.2.2. Prô-mê-tê và loài người

+ Không gian: Thế gian chỉ có các vị thần.

+ Thời gian: Mặt đất mênh mông nhưng vắng vẻ.

+ Cốt truyện: Sự ra đời của con người và vạn vật.

+ Nhân vật: Prô-mê-tê, Ê-pi-mê-tê, U-ra-nôx, Gai-a,con người,..

1.2.3. Đi san mặt đất

+ Không gian: không có không gian cụ thể.

+ Thời gian: cổ xưa, không xác định cụ thể “ngày xưa, từ rất xưa”.

+ Cốt truyện: giải thích lí do vì sao bầu trời và mặt đất có hình dạng phẳng như bây giờ.

+ Nhân vật: các nhân vật trong bài thơ trên đều là những con vật có thật nhưng đã được nhân hóa và có khả năng phi thường.

1.2.4. Cuộc tu bổ lại các giống vật

+ Không gian: Thời sơ khởi.

+ Thời gian: Trước khi tạo ra con người.

+ Cốt truyện: Nguồn gốc của các con vật.

+ Nhân vật: Ngọc Hoàng, ba vị Thiên Thần, chó, vịt, các loài chim khác,..

1.3. Ôn lại yêu cầu và cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể​​

1.3.1. Các yêu cầu

– Về nội dung nghị luận:

+ Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.

+ Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn,… và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể.

– Về kĩ năng nghị luận, bài viết cần đáp ứng các yêu cầu:

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.

+ Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.

+ Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

+ Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

1.3.2. Cách làm

– Mở bài: giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, tác giả,…). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.

– Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

– Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.