1.1. Các phép liên kết về nội dung
+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu trong đoạn cũng phải nói về chủ đề chung của đoạn văn.
+ Liên kết lôgic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
1.2. Các phép liên kết về hình thức
+ Phép lặp : Từ ngữ của câu trước (đoạn trước) lặp lại ở câu sau (đoạn sau).
Ví dụ: Buổi sáng tôi dậy sớm để chuẩn bị cặp sách đến trường. Dậy sớm là một thói quen tốt.
Câu trên sử dụng phép lặp từ: “dậy sớm” ở câu trước lặp lại ở câu sau.
+ Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng: Là các từ ngữ ở các câu có các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hay cùng trường nghĩa.
Ví dụ 1: Tôi thấy cô ấy rất xinh. Còn bạn tôi lại bảo cô ấy đẹp.
Câu trên sử dụng phép đồng nghĩa: “xinh” đồng nghĩa với từ “đẹp” ở câu sau (đồng nghĩa không hoàn toàn).
Ví dụ 2: Người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Nam Cao)
Câu trên sử dụng phép trái nghĩa: “yếu đuối” với “mạnh” và “hiền lành” với “ác”.
+ Phép nối:
– Dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết.
– Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
Ví dụ: Lớp chúng tôi hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học. Đồng thời, chúng tôi còn rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập rất nhiều.
Câu trên sử dụng phép nối: “Đồng thời”
+ Phép thế: Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương.
Ví dụ 1: Cô Hằng là cô hàng xóm của tôi. Nhà cô ấy có rất nhiều hoa.
Phép thế: dùng đại từ “cô ấy” thay thế cho “cô Hằng” ở câu trước.
Ví dụ 2: Ai cũng muốn cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Muốn được như vậy bạn phải chăm chỉ tập luyện.
Phép thế: từ “như vậy” thay thế cho câu trước đó, mang nghĩa tương đương.