1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Đặc điểm của thần thoại
– Thần thoại là những truyện kể hoang đường, kỳ ảo.
+ Kể về thế giới tâm linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa.
– Có thể chia làm hai loại chính:
+ Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài.
+ Thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hóa.
– Có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ di sản văn hóa nguyên thủy của cộng đồng.
1.1.2. Từ khó
– Hỗn độn: lộn xộn, lẫn lộn, không có trật tự.
– Cầy cục: cố sức thực hiện công việc một cách vất vả.
1.1.3. Đại ý
– Giải thích quá trình tạo ra trời, đất, thế gian của Thần Trụ Trời và các vị thần khác.
1.1.4. Xuất xứ thần thoại Thần Trụ Trời
– Văn bản được trích từ Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003 (trang 67-68), Nguyễn Đổng Chi.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Đặc điểm thần thoại trong Thần Trụ Trời
– Những dấu hiệu nhận ra Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại bao gồm:
+ Không gian: trời và đất => không gian vũ trụ, không thể hiện một địa điểm cụ thể.
+ Thời gian: “thuở ấy” => thời gian mang tính chất cổ xưa, không rõ ràng.
+ Cốt truyện: xoay quanh việc thần Trụ trời trong quá trình tạo lập nên trời và đất.
+ Nhân vật: thần Trụ trời có vóc dáng khổng lồ và sức mạnh phi thường để thực hiện nhiệm vụ của mình là sáng tạp ra thế giới.
1.2.2. Quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật Thần Trụ Trời
– Quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật Thần Trụ Trời:
+ Thần Trụ Trời tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái vừa cao, vừa to để chống trời.
+ Cột được đắp cao lên bao nhiêu thì trời được nâng lên dần chừng ấy => vòm trời được đẩy lên cao.
+ Khi trời cao và khô, thần phá cột, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi => tạo ra hòn núi, hòn đảo, gò, đống, những dải đồi cao => mặt đất ngày nay thường không bằng phẳng.
+ Chỗ thần đào đất, đào đá đắp cột => biển rộng.
– Nhận xét về đặc điểm của nhân vật này: thần Trụ trời là người có năng lực phi thường, mạnh mẽ và đã có công tạo ra trời, đất.
1.2.3. Cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian
– Cách giải thích về thế giới của những người xưa cổ bằng trực quan và tưởng tượng.
+ Chưa có đầy đủ căn cứ.
+ Chưa được xác minh về độ chính xác và còn mang yếu tố hư cấu.
–> Ngày nay, cách giải thích ấy không còn phù hợp. Vì xã hội bây giờ đã hiện đại và khoa học phát triển, có đủ nguồn thông tin, cách minh chứng khoa học nên khi giải thích bất kì một hiện tượng nào cũng luôn yêu cầu, đòi hỏi độ chính xác cao, có căn cứ rõ ràng, xác thực. Như vậy, thông tin ấy mới có thể thuyết phục được mọi người.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
– Văn bản lý giải cái nhìn của con người cổ đại về hiện tượng thế giới được hình thành, được sắp đặt trật tự như bây giờ
– Thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng, trời đất
1.3.2. Về nghệ thuật
– Cách xây dựng nhân vật độc đáo, mang đặc trưng của thể loại thần thoại
– Hình tượng nhân vật tiêu biểu, điển hình
– Văn phong, cách diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với thể loại thần thoại
– Ngôn từ thuần Việt, dễ hiểu