Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Lịch sử 12 Bài 3: Các nước Đông Bắc Á

1.1. Nét chung về khu vực Đông Bắc Á

  • Là khu vực rộng lớn và đông dân nhất thế giới, tài nguyên thiên nhiên phong phú.
  • Trước chiến tranh thế giới thứ hai, đều bị thực dân nô dịch (trừ Nhật Bản). Sau 1945 có nhiều biến chuyển.
  • Tháng 10/1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước CHND Trung Hoa ra đời. Cuối thập niên 90, Hồng Kông và Ma Cao trở về chủ quyền của Trung Quốc.
  • Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 38: Đại Hàn dân quốc ở phía Nam và CHDCND Triều Tiên ở phía Bắc. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), vĩ tuyến 38 vẫn là ranh giới phân chia hai nhà nước trên bán đảo.
  • Sau khi thành lập, các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế
    • Từ nửa sau thế kỷ XX, tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
    • Trong “bốn con rồng châu Á” thì Đông Bắc Á có đến ba (Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan).
    • Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
    • Trung Quốc cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI có sự tăng trưởng nhanh và cao nhất thế giới.
    • Từ nửa sau thế kỷ XX, tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, nên dự đoán “thế kỷ XXI  là thế kỷ của châu Á”

1.2. Trung Quốc 

Có diện tích rộng thứ 3 thế giới (9,6 triệu km2) với dân số đông nhất thế giới 1,26 tỷ người  (2006)

1. Sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thành tựu 10 năm đầu xây dựng chế độ mới (1949 – 1959)

  • Sự thành lập nước CHND Trung Hoa
    • Từ  1946 – 1949, Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến giữa Đảng Quốc dân và Đảng Cộng sản:
    • Ngày 20/07/1946, Tưởng Giới Thạch phát động nội chiến.
    • Từ tháng 7/1946 đến tháng 6/1947: quân giải phóng thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực,sau đó chuyển sang phản công và giải phóng toàn bộ lục địa Trung Quốc.
    • Cuối năm 1949, Đảng Quốc Dân thất bại phải bỏ chạy ra Đài Loan.
    • Ngày 01/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, đứng đầu là Mao Trạch Đông.
  • Ý nghĩa
    • Chấm dứt hơn 100 năm nô dịch và thống trị của đế quốc.
    • Xóa bỏ tàn dư phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do tiến lên CNXH.
    • Ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc thế giới.
  • Thời kỳ xây dựng CNXH
    • Nhiệm vụ hàng đầu là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.
    • Về kinh tế
      • 1950 – 1952: thực hiện khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, phát triển văn hóa, giáo dục.
      • 1953 – 1957: hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đã có 246 công trình được xây dựng và đưa vào sản xuất; sản lượng  công nghiệp tăng 140% (1957 so 1952); sản lượng nông nghiệp tăng 25% (so với 1952)…
    • Văn hóa, giáo dục có những bước tiến lớn; đời sống nhân dân cải thiện.
    • Về đối ngoại
      • Thi hành chính sách tích cực nhằm củng cố hòa bình và thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới.
      • Ngày 18/01/1950, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam

2. Trung Quốc những năm không ổn định (1959 – 1978)

  • Về đối nội: không ổn định về kinh tế,chính trị xã hội:
    • Kinh tế
      • Thực hiện đường lối “Ba ngọn cờ hồng” (“Đường lối chung”,“Đại nhảy vọt”,“Công xã nhân dân”), gây nên nạn đói nghiêm trọng trong cả nước, đời sống nhân dân khó khăn, sản xuất ngừng trệ, đất nước không ổn định.
      • Cuộc “Đại nhảy vọt”,phát động toàn dân làm gang thép để đưa sản lượng thép lên gấp 10 lần.
      • “Công xã nhân dân”,tổ chức theo lối quân sự hóa mọi sinh hoạt, nền nông nghiệp giảm sút,mất mùa.
    • Chính trị: Không ổn định.
      • Nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc bất đồng gay gắt về đường lối, tranh giành quyền lực, đỉnh cao là cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản” (1966 – 1976), để lại những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt đối với nhân dân Trung Quốc.
      • 1976 chiến dịch chống lại: “Tứ nhân bang”, Trung Quốc ổn định.
      • 1968-1978 nội bộ tiếp tục diễn ra đấu tranh gay gắt.
    • Về đối ngoại
      • Ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh  giải phóng  dân tộc của nhân dân Á, Phi và Mỹ la tinh.
      • Xung đột biên giới với Ấn Độ và Liên Xô.
      • Từ 1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn sang thăm Trung Quốc.

3. Công cuộc cải cách – mở cửa (từ 1978)

  • Tháng 12 – 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đề xướng sau đó được nâng lên thành Đường lối chung vào đại hội lần 13 (9/1982).
  • Đến Đại hội XIII (10.1987), được nâng lên thành Đường lối chung của Đảng:
  • Về kinh tế:
    • Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tiến hành cải cách và mở cửa, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường XHCN, hiện đại hóa và xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc, biến Trung Quốc thành nước giàu mạnh, dân chủ và văn minh.
  • Thành tựu:
    • Sau 20 năm kinh tế Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng cao (GDP tăng 8%/năm), đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt.
    • Nền khoa học – kỹ thuật, văn hóa, giáo dục Trung Quốc đạt thành tựu nổi bật: năm 1964, thử thành công bom nguyên tử; năm 2003 phóng thành công tàu “Thần Châu 5” vào không gian…
  • Về đối ngoại:
    • Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Mông Cổ, Việt Nam…
    • Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới
    • Vai trò và vị trí của Trung Quốc nâng cao trên trường quốc tế, thu hồi chủ quyền Hồng Kông (1997), Ma Cao (1999).
    • Đài Loan là một  bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc, nhưng đến nay Trung  Quốc vẫn chưa kiểm soát được Đài Loan.