Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học – Ngữ văn 12

2.1. Củng cố lại kĩ năng làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Các bước tiến hành

a. Tìm hiểu đề

  • Vấn đề nghị luận (luận đề, luận điểm).
  • Xác định các thao tác nghị luận.
  • Phạm vi dẫn chứng (tư liệu).

b. Lập dàn ý

  • Mở bài:
    • Dẫn dắt vấn đề.
    • Nêu xuất xứ và trích dẫn ý kiến.
  • ​​Thân bài: 
    • Giải thích, làm rõ vấn đề:
      • Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn trong đề bài. Để tạo chất văn, gây hứng thú cho người viết, những đề văn thường có cách diễn đạt ấn tượng, làm lạ hóa những vấn đề quen thuộc. Nhiệm vụ của người làm bài là phải tường minh, cụ thể hóa những vấn đề ấy để từ đó triển khai bài viết.
      • Sau khi cắt nghĩa các từ ngữ cần thiết cần phải giải thích, làm rõ nội dung của vấn đề cần bàn luận. Thường trả lời các câu hỏi: Ý kiến trên đề cập đến vấn đề gì? Câu nói ất có ý nghĩa như thế nào?
    • Bàn bạc, khẳng định vấn đề:
      • Khẳng định ý kiến đó đúng hay sai? Mức độ đúng sai như thế nào?
      • Lí giải tại sao lại nhận xét như thế? Căn cứ vào đâu để có thể khẳng định được như vậy?
      • Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào trong tác phẩm, trong văn học và trong cuộc sống?
    • Mở rộng, nâng cao, đánh giá ý nghĩa của vấn đề đó với cuộc sống, với văn học.
  • Kết bài:
    • Khẳng định lại tính chất đúng đắn của vấn đề.
    • Rút ra những điều đáng ghi nhớ và tâm niệm cho bản thân từ vấn đề.

c. Tiến hành viết bài

d. Kiểm tra và chỉnh sửa (nếu có)

2.2. Một số đề bài gợi ý

Đề 1: Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: “Người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”. Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh (chị) hãy bình luận những ý kiến trên.

Đề 2: Anh (chị) hiểu thế nào về ý kiến sau của nhà thơ Xuân Diệu: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”.

Đề 3: Bình luận ý kiến của Nam Cao:

“Một tác phẩm thật có giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi, giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho con người ngày càng người hơn”                                                                 

(Nam Cao- Đời thừa)

Đề 4: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.