Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 11 Chân Trời Sáng Tạo Bài 18: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

 Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Do đó, đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

1.1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

– Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định:

+ Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm: nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật;

+ Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý;

+ Việc khám xét chỗ ở của công dân chỉ được phép thực hiện trong những trường hợp pháp luật quy định và phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục luật định.

Lực lượng công an đọc lệnh khám xét nhà ở của công dân

Lực lượng công an đọc lệnh khám xét nhà ở của công dân

– Mọi người có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.

– Pháp luật nghiêm cấm các hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lí hợp pháp chỗ ở của họ, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

1.2. Hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Người vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Hành vi xâm phạm chỗ ở ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân

Hành vi xâm phạm chỗ ở ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân

1.3. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

a. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở:

Đối với xã hội: gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tin của cơ quan nhà nước;…

Đối với cá nhân: khiến công dân mất chỗ ở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân và gia đình; gây thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, tính mạng, kinh tế, danh dự của công dân…

b. Trách nhiệm của của học sinh trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở:

– Học tập, nắm vững những quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự giác thực hiện quy định về quyền này;

– Vận động những người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về bất khả xâm phạm về chỗ ở.