Pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho công dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và quản lí đất nước. |
1.1. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội
– Quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội: Công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
– Ở phạm vi cả nước: công dân thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng cách:
+ Tham gia biểu quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân;
+ Tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
– Ở phạm vi cơ sở: công dân thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội chủ yếu bằng cách:
+ Theo dõi những nội dung công khai;
+ Bàn và quyết định những nội dung quan trọng thông qua hình thức bỏ phiếu công khai hoặc bỏ phiếu kín tại các cuộc họp cử tri hoặc thông qua hình thức phát phiếu lấy ý kiến;
+ Tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định;
+ Tham gia giám sát những hoạt động của chính quyền theo quy định của pháp luật.
Nhân dân thôn Nà Tèn (Lạng Sơn) biểu quyết nhất trí sáp nhập thôn
1.2. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội
Hành vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực:
– Đối với xã hội: ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước; xâm phạm trật tự quản lý hành chính;…
– Đối với cá nhân: cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân; gây tổn thất về tinh thần, danh dự, uy tín, tài chính, công việc…
1.3. Đánh giá một số hành vi và thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội
– Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lí kỉ luật, xử lí hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Trách nhiệm của công dân:
– Tìm hiểu những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội;
– Xây dựng ý thức tự giác thực hiện quy định về quyền này.
– Vận động những người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.