Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 11 Chân Trời Sáng Tạo Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

 Việt Nam có nhiều đồng bào dân tộc, tôn giáo khác nhau. Tuy mỗi tôn giáo có giáo lí, giáo luật, lễ nghi riêng nhưng đồng bào thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau luôn đoàn kết trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Do đó, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo là chủ trương nhất quán trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

1.1. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

1.1.1. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc

a. Khái niệm: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là các dân tộc ở Việt Nam không phân biệt đa số hay thiểu số đều được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện phát triển.

b. Quy định của pháp luật: Mọi dân tộc đều bình đẳng về chính trị, văn hoá, giáo dục.

– Các dân tộc bình đẳng về chính trị: các dân tộc đều có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia vào bộ máy nhà nước, tham gia thảo luận, góp ý các vấn đề chung của đất nước.

– Các dân tộc bình đẳng về văn hoá, giáo dục:

+ Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình.

+ Những phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc được giữ gìn, khôi phục, phát huy.

+ Các dân tộc ở Việt Nam có quyền hưởng thụ một nền giáo dục của nước nhà.

– Các dân tộc bình đẳng về kinh tế:

+ Trong chính sách phát triển kinh tế, không có sự phân biệt giữa các dân tộc đa số và thiểu số.

+ Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế đối với tất cả các vùng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

1.1.2. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo

Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo là quyền hiến định:

– Các tôn giáo được Nhà nước công nhận đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.

– Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật được Nhà nước bảo đảm, các cơ sở tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm.

Quyền tự do tôn giáo trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Quyền tự do tôn giáo trong hệ thống pháp luật Việt Nam

1.2. Ý nghĩa của quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo đối với đời sống con người và xã hội

– Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo bao gồm bình đẳng về quyền, bình đẳng về nghĩa vụ và bình đẳng về trách nhiệm pháp lí trước pháp luật.

– Công dân có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo; tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo.

– Bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo.

1.3. Hành vi vi phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, tuỳ tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lí kỉ luật, xử lí hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại (nếu có) thì phải bồi thường.

1.4. Thực hiện quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo của công dân

– Công dân cần đánh giá được các hành vi vi phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo trong đời sống thực tiễn như: gây thù hằn, chia rẽ giữa các dân tộc, gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo tôn giáo khác nhau,… để phòng tránh, không thực hiện hành vi vi phạm.

– Học sinh cần tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo để thực hiện đúng các quy định pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo và tuyên truyền, vận động người khác biết và không vi phạm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo.