Quan hệ cung – cầu phản ánh sự tác động qua lại giữa phía cung – người sản xuất, kinh doanh và phía cầu – người tiêu dùng. Cung – cầu có mối quan hệ với nhau và ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá. Hiểu được mối quan hệ cung – cầu và vai trò của nó trong nền kinh tế sẽ giúp các chủ thể kinh tế đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình sản xuất, tiêu dùng. |
1.1. Khái niệm cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung
a. Cung trong nền kinh tế:
Cung là số lượng hàng hoá, dịch vụ mà người bán có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một thời kì nhất định.
b. Các nhân tố ảnh hưởng đến cung
– Giá của các yếu tố sản xuất đầu vào;
– Công nghệ;
– Chính sách của Nhà nước,
– …
1.2. Khái niệm cầu và các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
a. Cầu trong nền kinh tế:
Cầu là số lượng hàng hoá, dịch vụ mà người mua có khả năng và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau trong một thời kì nhất định.
b. Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu:
– Thu nhập của người tiêu dùng;
– Giá của các mặt hàng liên quan;
– Dân số;
– Thị hiếu;
– …
1.3. Mối quan hệ cung – cầu trong nền kinh tế
– Cung – cầu tác động lẫn nhau: Khi cầu tăng, sản xuất mở rộng, lượng cung tăng; khi cầu giảm, sản xuất thu hẹp, lượng cung giảm.
– Cung – cầu ảnh hưởng đến giá cả: Khi cung lớn hơn cầu, giá cả giảm; khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả tăng; khi cung bằng cầu, giá cả ổn định.
– Giá cả ảnh hưởng đến cung – cầu:
+ Về phía cung, khi giá cả tăng lên trong khi giá cả của các yếu tố sản xuất đầu vào không tăng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lượng cung tăng lên và ngược lại.
+ Về phía cầu, khi giá cả giảm xuống, cầu có xu hướng tăng lên và ngược lại.
Mối quan hệ Cung – Cầu
1.4. Vai trò của quan hệ cung – cầu trong nền kinh tế
– Người sản xuất đưa ra quyết định mở rộng hay thu hẹp sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
– Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hoá phù hợp với nhu cầu và đem lại hiệu quả kinh tế.