Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 26: Kinh tế Trung Quốc

1.1. Đặc điểm chung của nền kinh tế

– Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, đất nước bắt đầu tiến hành thực hiện một số chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, quốc hữu hoá tư liệu sản xuất,…

– Đến cuối thập niên 70 của thế kỉ XX, Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa với chính sách 4 hiện đại hoá: công nghiệp, nông nghiệp, khoa học – kĩ thuật và quốc phòng. Một số biện pháp cụ thể như:

+ Vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

+ Tăng cường vốn đầu tư;

+ Mở rộng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp;

– Công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên lĩnh vực kinh tế.

Bảng 1. Quy mô và tốc độ tăng GDP của Trung Quốc, giai đoạn 2004-2020

(Nguồn: Niên giám thống kê Trung Quốc, 2021)

+ Cơ cấu GDP ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại.

– Những thành tựu trên đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc về kinh tế. Vị thế của Trung Quốc về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, khoa học – công nghệ, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng,… ngày càng được khẳng định trên thế giới.

1.2. Các ngành kinh tế

1.2.1. Công nghiệp

– Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng hàng đầu và tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế Trung Quốc.

+ Ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, GDP công nghiệp năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

+ Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng đứng đầu thế giới như than, điện, ô tô,..

– Cơ cấu ngành công nghiệp của Trung Quốc chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa.

+ Công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc phát triển rất nhanh, chiếm hơn 32% tổng số ô tô được sản xuất toàn cầu.

+ Công nghiệp hàng không vũ trụ được đầu tư mạnh và có hệ thống, phát triển không chỉ nhằm mục đích quốc phòng mà còn phục vụ dân sinh như dự báo thời tiết, nghiên cứu khoa học, thương mại.

+ Nhiều sản phẩm công nghệ của Trung Quốc cũng chiếm phần lớn thị phần toàn cầu như: điện thoại thông minh, camera giám sát, máy tính cá nhân, máy điều hoà…

– Các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc phân bố chủ yếu ở miền Đông.

Phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc, năm 2020

Hình 1. Phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc, năm 2020

1.2.2. Nông nghiệp

– Công cuộc cải cách nông nghiệp của Trung Quốc được thực hiện với quy mô lớn từ cuối năm 1978 với những chính sách như: giao đất, tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh khoa học – kĩ thuật và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp,… Nhờ đó, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Bảng 2. Sản lượng một số sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc, giai đoạn 2005-2020

(Đơn vị: triệu tấn)

(Nguồn: Niên giám thống kê Trung Quốc, 2021)

Ngành trồng trọt là ngành chủ yếu trong nông nghiệp Trung Quốc.

+ Năm 2020, ngành trồng trọt chiếm khoảng 64,1% giá trị tổng sản lượng của ngành nông nghiệp.

+ Trong cơ cấu ngành trồng trọt, cây lương thực giữ vị trí quan trọng, sản lượng đứng đầu thế giới, nhất là lúa gạo và lúa mì. Lúa gạo được trồng nhiều ở đồng bằng Hoa Trung và Hoa Nam, lúa mì trồng chủ yếu ở đồng bằng Hoa Bắc và Đông Bắc.

Ngành chăn nuôi được quan tâm và phát triển, chiếm khoảng 35,9% trong cơ cấu nông nghiệp.

+ Các vật nuôi chủ yếu ở Trung Quốc là lợn, bò, cừu, gia cầm,…

+ Lợn, bò và gia cầm chủ yếu được nuôi ở các vùng đồng bằng; cừu được nuôi chủ yếu ở các vùng Đông Bắc, Hoa Bắc và phía tây.

– Với đường bờ biển dài và diện tích mặt nước lớn, Trung Quốc có nhiều thuận lợi để phát triển ngư nghiệp, bao gồm khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2020, sản lượng thuỷ sản của Trung Quốc đứng đầu thế giới với trên 65 triệu tấn, trong đó thuỷ sản nuôi trồng chiếm hơn 52 triệu tấn.

– Đối với ngành lâm nghiệp, mặc dù độ che phủ rừng còn thấp nhưng Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực nhằm gia tăng diện tích rừng và đặt mục tiêu đến 2035, diện tích rừng đạt 26% diện tích lãnh thổ.

1.2.3. Dịch vụ

– Dịch vụ là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh và chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP của Trung Quốc. Năm 2020, ngành dịch vụ thu hút đến 47,3% lao động của nền kinh tế.

– Trung Quốc là cường quốc thương mại của thế giới.

+ Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước khoảng 5400 tỉ USD.

+ Về ngoại thương, xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và chiếm khoảng 14,7% giá trị xuất khẩu toàn cầu.

Bảng 3. Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, giai đoạn 2005-2020

(Đơn vị: tỉ USD)

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam, 2006, 2016, 2021)

– Hệ thống giao thông vận tải trở thành động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

+ Năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới đường ô tô và đường sắt phát triển bậc nhất thế giới, đặc biệt là đường cao tốc có chiều dài trên 160 nghìn km, dài nhất thế giới.

+ Đối với ngành hàng không, Trung Quốc có vị trí cao trên thế giới với hơn 230 sân bay. Một số sân bay lớn như Đại Hưng (Bắc Kinh), Hàng Châu (Chiết Giang), Hồng Công,…

+ Ngành hàng hải của Trung Quốc cũng rất phát triển với một số cảng biển lớn như Thượng Hải, Thanh Đảo (Sơn Đông), Thâm Quyến (Quảng Đông),…

– Trung Quốc cũng là nước có hệ thống thông tin, viễn thông phát triển nhờ trình độ khoa học – công nghệ không ngừng được nâng cao.

– Với tài nguyên du lịch đa dạng, Trung Quốc chú trọng đầu tư phát triển nên du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Di sản văn hóa thế giới Vạn Lý Trường Thành

Hình 2. Di sản văn hóa thế giới Vạn Lý Trường Thành