1.1. Vị trí địa lí
– Phạm vi lãnh thổ:
+ Nhật Bản là một quốc gia quần đảo, có diện tích đất khoảng 378000 km2.
+ Lãnh thổ kéo dài từ khoảng vĩ độ 20°B đến vĩ độ 45°B và từ khoảng kinh độ 123°Đ đến kinh độ 154°Đ.
+ Quần đảo Nhật Bản có hình vòng cung dài khoảng 3800 km, gồm 4 đảo lớn là: Hốc-cai-đô, Hôn-su, Xi-cô-cư, Kiu-xiu và hàng nghìn đảo nhỏ khác.
+ Nhật Bản có vùng đặc quyền kinh tế rộng, đường bờ biển dài khoảng 29000 km.
– Vị trí địa lí:
+ Nằm trên Thái Bình Dương, ở phía đông của châu Á.
+ Lãnh thổ Nhật Bản được bao bọc bởi biển và đại dương, phía đông và phía nam giáp Thái Bình Dương, phía tây giáp biển Nhật Bản, phía bắc giáp biển Ô-khốt.
+ Nhật Bản gần các nước trong lục địa là Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Hình 1. Tự nhiên Nhật Bản
1.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
1.2.1. Địa hình và đất đai
– Địa hình:
+ Đặc điểm: Đại bộ phận lãnh thổ Nhật Bản là địa hình đồi núi, chủ yếu là đồi núi thấp. Đồng bằng nhỏ, hẹp phân bố tập trung ở ven bờ Thái Bình Dương, trong đó lớn nhất là đồng bằng Can-tô nằm trên đảo Hôn-su.
+ Ảnh hưởng: Địa hình của Nhật Bản tạo thuận lợi cho phát triển ngành lâm nghiệp và du lịch nhưng cũng gây khó khăn trong giao thông vận tải; Do nằm trong vùng không ổn định của lớp vỏ Trái Đất nên Nhật Bản thường xuyên chịu ảnh hưởng của hoạt động động đất, núi lửa,… gây thiệt hại về người và tài sản.
Hình 2. Núi Phú Sĩ
– Đất đai:
+ Đặc điểm: Nhật Bản có nhiều loại đất như đất pốtdôn, đất nâu, đất đỏ, đất phù sa,…; tài nguyên đất rất hạn chế với diện tích đất canh tác chi chiếm khoảng 11% diện tích lãnh thổ.
+ Ảnh hưởng: thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau; tuy nhiên, do diện tích đất canh tác rất hạn chế nên đặt ra vấn đề phải sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.
1.2.2. Khí hậu
– Đặc điểm:
+ Phần lớn lãnh thổ Nhật Bản nằm trong vùng khí hậu ôn đới mang tính chất gió mùa, có lượng mưa lớn.
+ Do lãnh thổ kéo dài nên khí hậu có sự phân hóa từ bắc xuống nam.
+ Ngoài ra, khí hậu còn có sự phân hóa ở những khu vực địa hình núi cao.
– Ảnh hưởng: sự phân hóa của khí hậu tạo thuận lợi cho Nhật Bản đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển du lịch nhưng cũng thường xảy ra thiên tai.
1.2.3. Sông, hồ
– Sông:
+ Mạng lưới sông ngòi của Nhật Bản khá dày đặc, nhưng do diện tích các đảo nhỏ và địa hình núi nên các sông thường nhỏ, ngắn và dốc.
+ Hầu hết các sông chảy theo hướng tây bắc – đông nam, có lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh.
+ Nguồn cung cấp nước cho sông ngòi chủ yếu từ nước mưa và tuyết tan.
– Nhật Bản có nhiều hồ, nhưng chủ yếu là hồ nhỏ, lớn nhất là hồ Bi-oa (Biwa).
Hình 3. Một đoạn sông Si-na-nô
– Hồ ở Nhật Bản không chỉ cung cấp nước cho đời sống và sản xuất mà còn là những địa điểm du lịch nổi tiếng.
1.2.4. Sinh vật
– Đặc điểm: Nhật Bản có diện tích rừng bao phủ lớn với tỉ lệ che phủ rừng đạt 68,4% (năm 2020). Rừng lá rộng chiếm ưu thế, một số ít là rừng lá kim, phân bố ở các đảo phía bắc.
– Ảnh hưởng:
+ Tài nguyên rừng lớn là điều kiện để Nhật Bản phát triển ngành lâm nghiệp.
+ Phong cảnh tự nhiên đa dạng và tài nguyên sinh vật phong phú đã tạo thuận lợi cho quốc gia này phát triển ngành du lịch.
1.2.5. Khoáng sản
– Đặc điểm: Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên khoáng sản. Khoáng sản của Nhật Bản chỉ có một số loại như: than, dầu mỏ, quặng sắt, đồng, vàng,… với trữ lượng không đáng kể, phân bố tập trung chủ yếu ở hai đảo lớn là Hôn-su và Hốc-cai-đô.
– Ảnh hưởng: Để phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước, Nhật Bản phải nhập khẩu hầu hết các loại khoáng sản.
1.2.6. Biển
– Đặc điểm:
+ Nhật Bản có vùng biển rộng lớn thuộc biển Nhật Bản, biển Ô-khốt và Thái Bình Dương.
+ Các vùng biển của Nhật Bản đều nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa.
– Ảnh hưởng:
+ Nhật Bản có nhiều điều kiện để phát triển các ngành kinh tế biển do có đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên biển phong phú,…
+ Tuy nhiên, vùng biển của Nhật Bản cũng gặp nhiều thiên tai (bão, sóng thần,…), gây thiệt hại cho đời sống và phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Hình 4. Cảng Na-gôi-a
1.3. Dân cư và xã hội
1.3.1. Dân cư
– Quy mô dân số:
+ Nhật Bản có số dân đông với 126,2 triệu người (năm 2020), đứng thứ 11 trên thế giới.
+ Những năm gần đây, số dân của Nhật Bản đang có xu hướng giảm.
+ Tỉ lệ gia tăng dân số rất thấp, thậm chí ở mức âm (-0,30% năm 2020).
Hình 5. Phân bố dân cư và một số đô thị ở Nhật Bản, năm 2020
– Cơ cấu dân số:
+ Nhật Bản có cơ cấu dân số già, tỉ suất tăng dân số tự nhiên ở mức âm đã tạo sức ép lớn về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, tăng chi phí an sinh xã hội.
+ Hiện nay, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, Nhật Bản tăng cường đầu tư để tự động hóa sản xuất và sử dụng lao động người nước ngoài vào làm việc, nhất là lao động từ các nước thuộc châu Á.
– Về thành phần dân cư: người Nhật Bản chiếm khoảng 98% số dân.
– Mật độ dân số:
+ Mật độ dân số trung bình của Nhật Bản cao (338 người/km2 năm 2020);
+ Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố và vùng đồng bằng ven biển.
– Vấn đề đô thị hóa:
+ Nhật Bản có mức độ đô thị hoá cao, với 92% số dân sống trong các đô thị (năm 2020).
+ Tỉ lệ dân số thành thị của Nhật Bản bắt đầu tăng nhanh vào cuối những năm 1950, đến nay tốc độ tăng đã chậm lại.
+ Nhật Bản có nhiều đô thị nối liền với nhau tạo thành các vùng đô thị như: ba vùng đô thị Can-tô, Chu-ki-ô và Kin-ki chiếm tới 60% số dân Nhật Bản.
1.3.2. Xã hội
– Nhật Bản có nền văn hóa truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: trà đạo, thư pháp, đấu vật Su-mô, trang phục truyền thống Ki-mô-nô, ẩm thực,…
– Người Nhật Bản có đặc điểm chăm chỉ, có tinh thần tập thể, ý thức tự giác và kỉ luật trong công việc. Nhật Bản là một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới.
– Người dân Nhật Bản có mức sống cao, GNI/người khoảng hơn 40000 USD/năm (năm 2020), HDI thuộc nhóm rất cao (0,923 năm 2020), hệ thống y tế rất phát triển, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế bắt buộc đối với mọi người dân.
Hình 6. Trà đạo Nhật Bản