Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

1.1. Toàn cầu kinh tế

Toàn cầu hóa là sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia và khu vực, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong sự vận động, phát triển, hướng tới một nền kinh tế hội nhập và thống nhất.

1.1.1. Biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế

– Thương mại thế giới phát triển:

+ Tốc độ tăng trưởng của thương mại ngày càng nhanh và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. 

+ Hoạt động thương mại trên thế giới ngày càng được tự do hơn thông qua việc như: cắt giảm thuế quan; tiến tới bãi bỏ các chi phí thuế quan; đảm bảo cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử.

+ Các tổ chức kinh tế, diễn đàn như: Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, … ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Bảng. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, giá trị GDP toàn thế giới, giai đoạn 1990 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

(Nguồn: WB, 2022)

– Thị trường tài chính quốc tế mở rộng:

+ Toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính.

+ Các ngân hàng lớn của các quốc gia kết nối với nhau tạo nên một mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu. Một số tổ chức như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới,… ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của toàn cầu cũng như kinh tế xã hội của các quốc gia.

Trụ sở tổ chức Thương mại Thế giới ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ

Hình 1. Trụ sở tổ chức Thương mại Thế giới ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ

– Tăng cường vai trò của các công ty đa quốc gia:

+ Các công ty đa quốc là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.

+ Vai trò của các các công ty đa quốc gia: Ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực như: tài chính, công nghệ, dịch vụ và lao động; Tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và vận hành các chuỗi cung ứng toàn cầu.

+ Khai thác tốt hơn các lợi thế so sánh của các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển.

Google là công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới

Hình 2. Google là công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới

– Gia tăng số lượng các tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu

+ Các tiêu chuẩn thống nhất về sản phẩm, quản lý quá trình, cung cấp dịch vụ, … ngày càng được áp dụng nhiều trên các lĩnh vực và phạm vi toàn cầu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu.

+ Các nước phát triển có hệ thống tiêu chuẩn cao hơn các nước đang phát triển. Trong quá trình hội nhập, các nước đang phát triển ngày càng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả hơn.

1.1.2. Hệ quả và ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

a. Hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế

Hệ quả tích cực:

+ Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, tăng trưởng nhanh kinh tế toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Tạo nhiều cơ hội học tập và giao lưu, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại.

Hệ quả tiêu cực:

+ Làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.

+ Đặt các quốc gia đứng trước những thách thức như: giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị truyền thống, …

+ Gia tăng nguy cơ bị phụ thuộc, giảm tính tự chủ và nguy cơ tụt hậu đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển không bền vững.

b. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

– Cơ hội: làm gia tăng nguồn lực phát triển kinh tế của các nước, như: vốn đầu tư, khoa học – công nghệ, thị trường, ….

– Thách thức:

+ Đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế với các nước như: xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp; hoàn thiện các thể chế để thích ứng với xu hướng hội nhập; nâng cao trình độ phát triển kinh tế….

+ Các vấn đề về xã hội và môi trường như: chênh lệch giàu nghèo, y tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia.

1.2. Khu vực hóa kinh tế

1.2.1. Biểu hiện của khu vực hóa kinh tế

Các biểu hiện của khu vực hóa kinh tế:

– Nhiều tổ chức liên kết kinh tế ở những cấp độ khác nhau đã được hình thành và ngày càng được mở rộng, hướng đến đảm bảo phát triển bền vững. Có các kiểu liên kết phổ biến, như:

+ Liên kết tam giác phát triển như: tam giác tăng trưởng Inđônêxia – Malaixia – Xingapo; Liên kết vùng Ma-xơ Rai-nơ giữa Bỉ – Đức – Hà Lan, …

+ Liên kết khu vực như: Liên minh châu Âu; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Thị trường chung Nam Mỹ, …

+ Diễn đàn liên kết khu vực, như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương; Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu, …

Liên minh châu Âu (EU)

Hình 3. Liên minh châu Âu (EU)

– Trong các tổ chức liên kết kinh tế khu vực, ngày càng có nhiều hiệp định về kinh tế, chính trị, môi trường, … được kí kết. Thương mại nội vùng giữa các quốc gia trong cùng một khu vực ngày càng tăng.

1.2.2. Hệ quả và ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

a. Hệ quả của khu vực hóa kinh tế

Hệ quả tích cực:

+ Tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ giữa các quốc gia và các khu vực với nhau.

+ Lợi ích kinh tế của các nước thành viên được đảm bảo trong tổ chức khu vực.

+ Thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường ở các quốc gia, tạo lập những thị trường khu vực rộng lớn, tạo nền tảng cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

Hệ quả tiêu cực: Xu hướng khu vực hóa kinh tế đặt ra không ít các vấn đề như: tính tự chủ kinh tế; vấn đề cạnh tranh giữa các khu vực, …

b. Ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

– Góp phần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các nước.

– Tăng vị thế, vai trò của các quốc gia.

– Phát huy năng lực quốc gia trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức khu vực.

– Thúc đẩy tham gia vào toàn cầu hóa, thuận lợi.