1.1. Yêu cầu
1.1.1. Kiểu bài
Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.
1.1.2. Yêu cầu đối với kiểu bài
– Luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.
– Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ, để làm sáng tỏ luận điểm.
– Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.
– Bố cục bài viết gồm ba phần:
+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề đó.
+ Thân bài: Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết, phản biện các ý kiến trái chiều.
+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp.
1.2. Cách làm
1.2.1. Chuẩn bị viết
– Đọc kỹ tác phẩm dự định lựa chọn để khai thác vấn đề xã hội nhằm hiểu rõ tình huống, sự kiện và nhân vật liên quan đến vấn đề xã hội mà bạn muốn nghị luận.
– Xác định rõ vấn đề xã hội mà bạn muốn nghị luận. Đó phải là một vấn đề có tính phản ánh đời sống, xã hội, tác động đến nhiều người, gây tranh cãi và đòi hỏi sự chú ý của công chúng.
– Xây dựng lập luận logic, có tính thuyết phục, trình bày sự phân tích và đánh giá vấn đề xã hội đó một cách khách quan và sâu sắc.
– Sử dụng ngôn từ chính xác, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người đọc của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh sử dụng ngôn từ và hình thức viết tắt, ngôn ngữ lệch lạc hay mất tôn trọng đối với những đối tượng liên quan.
1.2.2. Tìm ý, lập dàn ý
a. Tìm ý:
Tìm hiểu bài viết tham khảo để học hỏi kinh nghiệm lập ý và triển khai ý. Dựa vào định hướng viết của bài học, đọc kĩ truyện đã chọn, nêu một số câu hỏi sau để tìm ý:
– Chủ đề của truyện là gì? Chủ đề đó có điểm đặc biệt nào không?
– Các nhân vật trong truyện có đặc điểm gì nổi bật? Ngoại hình, lời nói, hành động , nội tâm của nhân vật hướng tới việc thể hiện chủ đề như thế nào?
– Nhìn từ chủ đề và nhân vật, tác phẩm có gì đặc sắc?
b. Lập dàn ý:
Sắp xếp lại các ý theo trật tự hợp lý. Dàn ý cần phản ánh bố cục và nội dung bài viết:
– Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
– Thân bài:
+ Khái quát chủ đề của truyện.
+ Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật.
+ Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện.
+ Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa với cuộc sống.
– Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận.
1.2.3. Viết bài
Bám sát dàn ý đã lập để viết bài. Khi viết từng phần, cần chú ý:
– Lựa chọn những thông tin cơ bản để giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, nhân vật.
– Lựa chọn các khía cạnh nổi bật của nhân vật trong truyện để phân tích.
– Mỗi ý phải được trình bày sáng rõ trong một đoạn văn, các đoạn phải liên kết chặt chẽ với nhau. Qua phân tích nhân vật, phải nêu bật được chủ đề của tác phẩm.
– Khái quát được ý nghĩa của nhân vật, giá trị của tác phẩm và bài học về thái độ sống mà bản thân rút ra được.
1.2.4. Xem lại và chỉnh sửa
– Bổ sung những phân tích cụ thể đối với các chi tiết, hình ảnh, sự việc trong truyện, tránh tình trạng nêu những nhận định chung chung, thiếu chứng cứ về nhân vật.
– Kiểm tra những phân tích về mối quan hệ giữa chủ đề truyện với hệ thống nhân vật, lược bớt những câu, đoạn phân tích không dẫn tới việc hiểu thấu đáo về chủ đề.
– Kiểm tra tính logic giữa các câu, đoạn; bổ sung bằng các phương tiện liên kết phù hợp hay đảo trật tự của các câu, đoạn ấy nếu thấy chưa đảm bảo.
– Rà soát, phát hiện các lỗi chính tả, lỗi về từ ngữ, ngữ pháp để chỉnh sửa.