1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
– Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đoạn trích bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Qua đó, người đọc cũng có thể cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước.
– Cõi lá – Đỗ Phấn: Văn bản nói về vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên Hà Nội khi thời tiết giao mùa. Tác giả khắc họa vẻ đẹp của mùa xuân nơi mảnh đất Thủ đô, thật thơ mộng, thật dịu dàng, khiến cho bao trái tim bạn đọc phải xao xuyến về Hà Nội.
– Chiều xuân – Anh Thơ: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân xứ Bắc, vẻ đẹp tĩnh lặng của cảnh chiều xuân, không khí và nhịp sống thôn dã trong trẻo, yên bình, gần gũi, qua đó bày tỏ tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.
– Trăng sáng trên đầm sen – Chu Tự Thanh: Văn bản ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người trong đêm trăng sáng; đặc biệt là vẻ đẹp của đầm sen được tác giả khắc họa rõ nét thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn trắc ẩn của tác giả.
– Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới: Qua tác phẩm, người đọc có thêm những thông tin, hiểu biết về Ma- la- la Diu- sa- phdai (một nhà đấu tranh vì quyền giáo dục cho phụ nữ nổi tiếng ở Pakistan). Qua đó, chúng ta trân quý và tự hào về cô gái này hơn. Đồng thời qua tác phẩm, nhà văn muốn kêu gọi mọi người hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền công bằng giáo dục cho phụ nữ và trẻ em.
– Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI: Văn bản đề cập đến những hành trang cần thiết mà người trẻ cần chuẩn bị cho thế kỉ XXI.
– Công nghệ AI của hiện tại và tương lai: Văn bản đề cập đến vai trò của AI đối với cuộc sống và thế giới con người trong hiện tại và tương lai.
– Hình tượng con người chinh phục thế giới trong Ông già và biển cả: Văn bản làm sáng rõ những nét đặc sắc về con người khi theo đuổi khát khao thông qua việc phân tích tác phẩm “Ông già và biển cả”.
– Lời tiễn dặn: Qua tâm trạng đầy đau khổ, rối bời của chàng trai và cô gái, đoạn trích đã khắc hoạ nổi bật tình yêu tha thiết thuỷ chung và khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái dân tộc Thái.
– Tú Uyên gặp Giáng Kiều: Tú Uyên gặp Giáng Kiều – câu chuyện cổ tích nói về câu chuyện chàng trai Tú Uyên thầm yêu cô gái Giáng Kiều xinh đẹp và sau đó là chuỗi ngày tìm đến nhau tìm hạnh phúc của đôi trẻ.
– Người ngồi đợi trước hiên nhà: Tác phẩm phơi bày hiện thực tàn khốc của chiến tranh đẩy những gia đình vào cảnh chia ly, tan tác. Đồng thời ca ngợi những người phụ nữ tần tảo, thủy chung, son sắt họ chính là những người hi sinh âm thầm lặng lẽ, góp công lớn cho công cuộc giải phóng đất nước.
– Thị Kính nuôi con cho Thị Mầu: Văn bản kể về việc Thị Mầu mang thai, bị làng bắt phạt nên khai liều là của Kính Tâm. Thị Mầu sinh con mang tới chùa đổ vạ, Thị Kính suốt 3 năm trời ròng rã xin sữa nuôi con, cuối cùng thân tàn lực kiệt, viết thư để lại cho cha mẹ rồi chết đi. Cuối cùng mọi người mới biết Kính Tâm là nữ, bèn lập đàn giải oan cho nàng.
– Sơn Đoòng – thế giới chỉ có một: Văn bản ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ và thiên nhiên đất nước tươi đẹp. Đồng thời kêu gọi và tuyên truyền về việc bảo vệ và giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên.
– Đồ gốm gia dụng của người Việt: Văn bản viết về đồ gốm sứ nhỏ dùng trong nhà. Chúng có cả một lịch sử phát triển không giống như những đồ sành như nồi niêu, chum vại cả ngàn năm hầu như không thay đổi.
– Chân quê – Nguyễn Bính: Bài thơ là hình ảnh chàng trai đứng trước bi kịch muốn níu giữ vẻ đẹp chân quê ở người yêu đi tỉnh về bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây xa lạ. Thông qua bài thơ, tác giả thể hiện niềm lo âu, băn khoăn, day dứt và dự cảm về những đổi thay nhanh chóng đến đáng sợ của những gì vốn mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc.
– Cung đường của kí ức, hiện tại và tương lai: Văn bản cung cấp cho bạn đọc những thông tin về Hà Nội xưa. Qua đó, bài viết khơi dậy nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua trong lòng mỗi độc giả.
– Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài – Nguyễn Huy Tưởng: Tác phẩm ca ngợi tài hoa hiếm có của kiến trúc sư Vũ Như Tô và hoài bão cao đẹp của ông nhưng cũng phê phán cách làm sai lầm của ông.
– Sống, hay không sống – đó là vấn đề: Đoạn trích Sống, hay không sống – đó là vấn đề được tác giả thể hiện không chỉ nêu lên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà con nêu lên những suy ngẫm về bản tính của con người, những trăn trở, lo âu của con người trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả, những rủi ro vẫn đang thường trực xảy ra.
– Chí khí anh hùng – Nguyễn Công Trứ: Bài thơ Chí khí anh hùng của Nguyễn Công Trứ thể hiện rõ quan điểm chí nam nhi: là kẻ sĩ trong cõi đời phải làm nên sự nghiệp to lớn, để lại công đức, danh tiếng cho đất nước, quê hương.
– Âm mưu và tình yêu – Si-le: Âm mưu và tình yêu là tác phẩm tố cáo chế dộ phong kiến mãnh liệt nhất của Sile. Xung đột của vở kịch được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa tình yêu trong trắng, thắm thiết của một đôi trai tài, gái sắc và những âm mưu xấu xa, đen tối của triều đình phong kiến cùng bọn quan lại.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
* Cách giải thích nghĩa của từ:
– Phân tích nội dung nghĩa của từ.
– Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
– Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.
– Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu của từ.
– Nghĩa chuyển là nghĩa hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
* Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói:
– Đa dạng về ngữ điệu (gấp gáp, chậm rãi; to, nhỏ;…), góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói.
– Thường sử dụng khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, trợ từ, thán từ, từ ngữ chêm xen, đưa đẩy…
– Thường sử dụng cả câu tỉnh lược và câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp.
– Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ…
* Cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo:
– Trích dẫn:
+ Trích dẫn trực tiếp;
+ Trích dẫn gián tiếp.
– Lập danh mục tài liệu tham khảo theo chuẩn APA3.
* Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết:
– Được thể hiện bằng chữ viết, hệ thống dấu câu, các kí hiệu văn tự.
– Sử dụng từ ngữ chọn lọc, phù hợp với từng phong cách; tránh sử dụng khẩu ngữ và từ ngữ địa phương.
– Có thể sử dụng câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.
– Có thể kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ…