1.1. Khái niệm phương tiện giao tiếp
a. Khái niệm:
Phương tiện giao tiếp là phương tiện để con người truyền đi bất cứ một loại thông tin nào đó, như diễn tả tình cảm, ám chỉ, miêu tả sự vật. Phương tiện giao tiếp giúp thể hiện thái độ, tình cảm, tư tưởng, mối quan hệ và những tâm lý khác trong một cuộc giao tiếp.
b. Phân loại:
Có 2 loại phương tiện giao tiếp đó là:
– Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ;
– Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
1.2. Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ
a. Khái niệm:
Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ là quá trình mà cá nhân sử dụng một thứ tiếng để giao tiếp và tư duy. Cần chú ý đến tất cả yếu tố của ngôn ngữ như: nội dung, ngữ pháp, phát âm, giọng nói, tốc độ nói, ngữ điệu, phong cách ngôn ngữ v.v…
b. Đặc điểm:
– Phát âm chuẩn, không nói nhanh quá hoặc chậm quá,
– Nhịp độ nói cần lúc trầm, lúc bổng, có điểm nhấn mới hấp dẫn người nghe.
– Lối nói lịch sự, đôi lúc dùng lối nói ẩn ý, tế nhị khéo léo.
1.3. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
a. Khái niệm:
Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ bao gồm âm thanh (tiếng kêu, nhạc,…) và hình ảnh (nét mặt, dáng vẻ, trang phục, di chuyển, hành vi, cử chỉ…); ký hiệu (công thức, tranh ảnh,…) được sử dụng trong quá trình giao tiếp.
b. Tác dụng:
Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ thường được sử dụng kết hợp với phương tiện ngôn ngữ trong văn bản thông tin tổng hợp, giúp thông tin được truyền tải hiệu quả, sinh động hơn.