1.1. Ôn lại đặc trưng thể loại tùy bút, tản văn
1.1.1. Khái niệm
* Tùy bút:
– Tùy bút là tiểu loại thuộc loại hình kí, thường tập trung thể hiện cái “tôi” của tác gủa, luôn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.
– Ở tùy bút chi tiết, sự kiện chỉ là cái cớ, là tiền đề để bộc lộ cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá về con người và cuộc sống.
– Ngôn ngữ của tùy bút giàu chất thơ (có chất trữ tình, giàu nhạc điệu, sức gợi…).
* Tản văn:
– Tản văn là một dạng văn xuôi gần với tùy bút; thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc họa nhân vật.
– Tản văn chú trọng việc nêu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của tác giả.
– Nếu sức hấp dẫn của tùy bút là tính chất tự do, tài hoa trong liên tưởng gắn với cái tôi tác giả thì sức hấp dẫn của tản văn chủ yếu ở khả năng phát hiện những nét đặc thù, đặc biệt của sự việc, đối tượng hay khả năng kết nối, xâu chuỗi các sự việc, đối tượng có vẻ rời rạc, nhỏ nhặt để hướng đến thể hiện chủ đề của tác phẩm.
1.1.2. Đặc trưng
– Yếu tố tự sự: là yếu tố kể chuyện, thể hiện qua việc ghi chép, thuật lại các sự việc, câu chuyện, chuỗi tình tiết liên quan tới hành vi, diễn biến tâm trạng, tình cảm của nhân vật hay lịch sử, phong tục được đề cập trong tác phẩm.
– Yếu tố trữ tình: là yếu tố thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của cái tôi tác giả trong tùy bút hay của người kể chuyện, quan sát, miêu tả trong tản văn.
– Cái “tôi” tác giả trong sáng tác văn học: là tổng thể những nét riêng biệt, nổi bật làm nên phẩm chất tinh thần độc đáo của tác giả thể hiện trong tác phẩm văn học nói chung, đặc biệt là trong các tác phẩm giàu yếu tố trữ tình như thơ trữ tình hay tùy bút, tản văn.
Xem chi tiết tùy bút, tản văn:
– Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường
– Trăng sáng trên đầm sen – Chu Tự Thanh
1.2. Ôn lại cách giải thích nghĩa của từ
– Khái niệm: Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị. Nghĩa của từ được nhận diện thông qua nhận thức, sự hiểu biết của mỗi người.
– Một số cách giải thích nghĩa của từ:
+ Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
+ Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.
+ Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu của từ.
+ Nghĩa chuyển là nghĩa hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
1.3. Ôn lại cách viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố
Trong quá trình làm bài văn thuyết minh kết hợp nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, và nghị luận, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Xác định rõ đối tượng hoặc quy trình cần thuyết minh.
– Chi tiết hóa những đặc điểm độc đáo của đối tượng hoặc các bước, công đoạn trong quá trình thực hiện.
– Kết hợp một hoặc nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,…
– Trình bày nội dung theo trình tự logic và hợp lý.
– Lựa chọn sử dụng ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ hỗ trợ một cách thích hợp.