Trên thị trường có nhiều chủ thể cùng sản xuất kinh doanh, mua bán nên lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường không phải lúc nào cũng cân đối với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến sự biến động lên xuống của giá cả hàng hoá trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội. Hiểu rõ về mối quan hệ cung – cầu giúp chúng ta vận dụng để đưa ra quyết định sản xuất, mua bán hàng hoá kịp thời, hiệu quả khi tham gia vào nền kinh tế thị trường. |
1.1. Cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung
– Cung là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu của thị trường với mức giá được xác định trong khoảng thời gian nhất định.
– Lượng cung chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: giá cả các yếu tố đầu vào để sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ, kì vọng của chủ thể sản xuất kinh doanh, giá bán sản phẩm, số lượng chủ thể tham gia cung ứng.
1.2. Cầu và các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
– Cầu là lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sẵn sàng mua với một mức giá nhất định trong khoảng thời gian xác định.
– Lượng cầu chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố giá cả hàng hoá, dịch vụ thu nhập, thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng, giá cả những hàng hoá, dịch vụ thay thế, kì vọng dự đoán của người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ,….
1.3. Mối quan hệ cung – cầu và vai trò của quan hệ cung – cầu
a. Mối quan hệ cung – cầu:
Cung – cầu có mối quan hệ chặt chẽ tác động, quy định lẫn nhau: Cầu xác định khối lượng, cơ cấu của cung, vì như “đơn đặt hàng” của thị trường cho các nhà sản xuất, cung ứng. Cung tác động đến cầu, kích thích cầu. Những hàng hoá, dịch vụ được cung ứng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng sẽ được ưa thích khiến cho cầu về chúng tăng lên.
Quy luật cung – cầu
b. Vai trò của quan hệ cung – cầu
Trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, quan hệ cung – cầu có vai trò quan trọng đối với các chủ thể kinh tế:
– Thứ nhất vai trò đối với chủ thể sản xuất kinh doanh:
+ Quan hệ cung – cầu là tác nhân trực tiếp khiến giá cả thường xuyên biến động trên thị trường khi cung lớn hơn cầu sẽ dẫn đến giá giảm, khi cung nhỏ hơn cầu sẽ dẫn đến giá tăng, cung bằng cầu thì giá ổn định. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh, có nhiều lợi nhuận khi bán giá cao, có thể thua lỗ khi bán giá thấp.
+ Hiện trạng quan hệ cung – cầu là căn cứ đề doanh nghiệp quyết định mở rộng hay thu hẹp sản xuất, kinh doanh: khi cung lớn hơn cầu, giá giảm thì thu hẹp sản xuất khi cung nhỏ hơn cầu, giá tăng thì mở rộng sản xuất.
– Thứ hai, vai trò đối với chủ thể tiêu dùng. Quan hệ cung – cầu là căn cứ giúp người tiêu dùng lựa chọn việc mua hàng hoá phù hợp nên mua hàng hoá, dịch vụ khi cung lớn hơn cầu, giá giảm không nên mua hàng hoá, dịch vụ khi cung nhỏ hơn cầu, giá tăng.
– Thứ ba, vai trò đối với chủ thể Nhà nước: Giúp Nhà nước có cơ sở đề đưa ra các biện pháp, chính sách để duy trì cân đối cung – cầu hợp lí, góp phần bình ổn thị trường.