Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Công nghệ 11 Kết nối tri thức: Tổng kết Chương 5 Công nghệ chăn nuôi

1.1. Chuồng nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

1.1.1. Yêu cầu về chuồng nuôi

– Vị trí chuồng nuôi: Nên xây dựng ở nơi yên tĩnh, xa khu dân cư, xa đường giao thông để hạn chế lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường và cách biệt với nhà ở.

– Hướng chuồng: Nên theo hướng nam hoặc hướng đông-nam để đón gió mát và ánh sáng mặt trời buổi sáng, chiều.

– Nền chuồng: Cần khô ráo, ấm áp, chắc chắn, có độ dốc vừa phải, dễ thoát nước và nên cao hơn mặt đất xung quanh.

– Kiến trúc xây dựng: Chuồng nuôi cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng loại vật nuôi. Cần đảm bảo thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lí và thu gom chất thải chăn nuôi, sử dụng công nghệ mới và thiết bị cơ giới hoá để tăng năng suất, giảm chi phí lao động.

1.1.2. Biện pháp đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

– Vệ sinh chuồng nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là giải pháp quan trọng để phòng bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững.

– Cần quét dọn sạch sẽ chuồng nuôi, tiêu độc và khử trùng định kì, thu gom và xử lí chất thải kịp thời.

– Cần quan tâm đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, thiết kế chuồng trại tốt và áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến để bảo vệ môi trường chăn nuôi.

1.2. Nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi

1.2.1. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc gà đẻ trứng

a. Chuồng nuôi và mật độ nuôi

– Chuồng nuôi gà đẻ cần được làm ở vị trí yên tĩnh và có đẻ phù hợp cho gà đẻ trứng.

– Đẻ cần được bố trí và thiết kế sao cho chắc chắn, thu trứng thuận lợi và không gây vỡ trứng.

– Mật độ nuôi gà đẻ trứng trung bình từ 3 đến 3,5 con/m2 chuồng (đối với nuôi trên nền).

– Nên điều chỉnh mật độ nuôi tùy thuộc vào mùa và điều kiện thời tiết.

b. Thức ăn và cho ăn

– Thức ăn cho gà đẻ trứng cần đầy đủ dinh dưỡng, protein 15 – 17%, calcium 3 – 3.5% để tạo vỏ trứng.

– Gà nên được cho ăn 2 lần/ngày với máng ăn và uống riêng biệt, bổ sung bột vỏ trứng, bột xương và cho gà uống nước sạch tự do.

c. Chăm sóc gà đẻ trứng

– Vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, máng ăn, máng uống hàng ngày.

– Duy trì nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, ánh sáng yếu và chiếu sáng từ 14 đến 16h/ngày.

– Quan sát đàn gà, tách các cá thể bị ốm ra khỏi đàn để điều trị, tiêm vaccine đầy đủ theo quy định.

– Thu trứng từ 3 đến 4 lần/ngày vào những thời điểm nhất định.

1.2.2. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc lợn thịt 

a. Chuồng nuôi và mật độ nuôi

– Chuồng nuôi lợn thịt thường có nền xi măng hoặc nền xi măng kết hợp lớp độn chuồng.

– Diện tích nền xi măng chiếm khoảng 1/3 diện tích chuồng.

– Phương thức nuôi này tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, chống nóng hiệu quả trong mùa hè.

b. Thức ăn và cho ăn

– Cần cung cấp thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển và đặc điểm sinh lý của lợn.

– Thức ăn cần an toàn vệ sinh và không chứa nấm mốc và độc tố.

– Có 2 cách cho lợn ăn: tính lượng thức ăn theo khối lượng cơ thể hoặc cho ăn tự do với máng ăn tự động.

– Cho lợn uống nước sạch theo nhu cầu bằng vòi uống tự động.

c. Chăm sóc lợn thịt

– Đảm bảo chuồng nuôi lợn thịt luôn ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, chống rét và chống nóng bằng các biện pháp thích hợp.

– Hằng ngày làm vệ sinh chuồng, máng ăn, máng uống sạch sẽ.

– Thường xuyên quan sát đàn lợn, tách các cá thể bị ốm để điều trị.

– Tiêm vaccine đầy đủ theo quy định.

1.2.3. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc bò sữa

a. Chuồng nuôi và phương thức nuôi

– Bò sữa được nuôi trong chuồng thông thoáng tự nhiên.

– Nuôi theo 2 phương thức: bản công nghiệp và công nghiệp.

b. Thức ăn và cho ăn  

Thức ăn cho bò sữa gồm ba nhóm chính: thức ăn thô, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung.

– Thức ăn thô bao gồm: thức ăn xanh, ủ chua, cỏ khô, rơm lúa, củ quả.

– Thức ăn tinh bao gồm: hạt ngũ cốc, bột từ hạt ngũ cốc, bột và khô dầu đậu tương, hạt cây họ Đậu, bã bia và thức ăn tinh hỗn hợp công nghiệp.

– Thức ăn bổ sung gồm các khoáng và vitamin. Nên trộn lẫn thật kỹ với thức ăn thô để tăng hiệu quả tiêu hoá.

c. Chăm sóc bò sữa

– Chống nóng cho bò sữa

– Chiếu sáng hợp lí

– Giảm thiểu tối đa các stress

– Vệ sinh và quản lí sức khoẻ

– Khai thác sữa

1.3. Mô hình chăn nuôi

1.3.1. Quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP

– Chuẩn bị chuồng trại và thiết bị chăn nuôi

– Chuẩn bị con giống

– Nuôi dưỡng và chăm sóc

– Quản lí dịch bệnh

– Quản lí chất thải và bảo vệ môi trường

– Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc

– Kiểm tra nội bộ

1.3.2. Chăn nuôi công nghệ cao

a. Khái niệm về chăn nuôi công nghệ cao

– Chăn nuôi công nghệ cao là mô hình kết hợp nhiều công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường và giải phóng sức lao động.

– Các công nghệ cao áp dụng trong chăn nuôi bao gồm: tự động hoá (ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng, phát hiện bệnh, thu gom sản phẩm), công nghệ loT, chip sinh học…

b. Một số mô hình chăn nuôi công nghệ cao

– Mô hình chăn nuôi gà đẻ thu trứng tự động

– Mô hình sử dụng robot trong chăn nuôi bò

– Mô hình chăn nuôi lợn gắn chip

1.4. Bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi

1.4.1. Bảo quản sản phẩm chăn nuôi

a. Khái niệm và vai trò

– Bảo quản sản phẩm chăn nuôi là áp dụng các biện pháp để làm chậm quá trình hư hỏng, kéo dài thời gian sử dụng mà chất lượng vẫn đảm bảo ở các sản phẩm (thịt, trứng, sữa,…).

– Bảo quản sản phẩm chăn nuôi có vai trò nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng năng xuất khẩu, tăng năng lực cho ngành chế biến, ổn định giá cả và đảm bảo cung ứng kịp thời cho thị trường khi thiếu hụt.

b. Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm chăn nuôi

– Công nghệ bảo quản lạnh

+ Nguyên lí bảo quản lạnh: nhiệt độ thấp ức chế hoạt động của vi sinh vật, chậm quá trình sinh hoá của sản phẩm.

+ Phương pháp bảo quản lạnh: hạ nhiệt độ sản phẩm xuống thấp hơn nhiệt độ môi trường nhưng lớn hơn nhiệt độ đóng băng của nước trong sản phẩm. Áp dụng trong thời gian ngắn, dùng cho nhiều loại sản phẩm chăn nuôi như sữa, thịt, trứng,…

+ Phương pháp bảo quản lạnh đông: hạ nhiệt độ sản phẩm xuống thấp hơn nhiệt độ đóng băng của nước trong sản phẩm (dưới 0 °C). Áp dụng trong thời gian dài, chủ yếu cho bảo quản thịt.

– Công nghệ xử lí nhiệt độ cao

+ Nguyên lí: Nâng nhiệt độ sản phẩm chăn nuôi để ức chế hoặc ngừng các quá trình sinh hoá và hoạt động của vi sinh vật trong sản phẩm chăn nuôi để kéo dài thời gian sử dụng.

+ Thanh trùng sữa: Quy trình thanh trùng sữa gồm 4 bước.

+ Tiệt trùng sữa: Quy trình tiệt trùng sữa gồm 4 bước. Sữa tiệt trùng có thể bảo quản từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn.

1.4.2. Chế biến sản phẩm chăn nuôi

a. Khái niệm và vai trò của chế biến sản phẩm chăn nuôi

– Chế biến sản phẩm chăn nuôi là áp dụng các phương pháp để chuyển các nguyên liệu tươi thành sản phẩm thực phẩm cho con người sử dụng.

– Quá trình chế biến đã làm cho các thành phần dinh dưỡng được chuyển hoá nên tăng tỉ lệ tiêu hoá cho người sử dụng. Việc cho thêm gia vị hoặc làm biến đổi một số thành phần trong sản phẩm tạo nên hương vị thơm, ngon làm tăng sự ngon miệng cho người dùng.

– Các mầm bệnh trong sản phẩm chăn nuôi sẽ bị tiêu diệt và thời gian bảo quản thực phẩm được kéo dài sau quá trình chế biến.

– Quá trình chế biến giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm.

b. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sản phẩm chăn nuôi

– Công nghệ sản xuất thịt hộp 

– Công nghệ chế biến sữa