1.1. Vai trò của phòng, trị bệnh trong chăn nuôi
1.1.1. Khái niệm bệnh
– Bệnh là trạng thái không bình thường của vật nuôi, có thể do nguyên nhân bên trong hoặc nguyên nhân bên ngoài.
– Khi vật nuôi bị bệnh, thường có các biểu hiện như buồn bã, chậm chạm, chán ăn hoặc bỏ ăn, sốt, chảy nước mắt và nước mũi, ho, tiêu chảy, bại liệt, xù lông,…
– Bệnh ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, bệnh nặng có thể gây chết.
1.1.2. Vai trò của phòng, trị bệnh trong chăn nuôi
a) Bảo vệ vật nuôi
– Bệnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, làm vật nuôi chậm lớn, thậm chí không lớn. Một số bệnh gây sẩy thai ở gia súc, sinh con dị dạng hoặc có thể gây chết hàng loạt ở vật nuôi.
– Các biện pháp phòng, trị bệnh cho vật nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh và sự tiếp xúc của mầm bệnh với vật nuôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
– Nhờ đó, bảo vệ vật nuôi trước các tác nhân gây bệnh, hạn chế ảnh hưởng xấu của bệnh đối với vật nuôi, giúp vật nuôi khoẻ mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt.
b) Nâng cao hiệu quả chăn nuôi
– Bệnh ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, chất lượng sản phẩm, tăng chi phí chăn nuôi, giảm hiệu quả sản xuất, thậm chí gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
– Phòng bệnh giúp tạo môi trường thuận lợi cho vật nuôi, giảm chi phí chữa bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
c) Bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường
– Bệnh ở vật nuôi làm chậm lớn, giảm sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng chi phí chăn nuôi và làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
– Phòng bệnh tốt sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí trị bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững.
– Nếu không phòng và trị bệnh tốt, bệnh có thể gây dịch, ô nhiễm môi trường, lây truyền sang người và gây tỉ lệ tử vong cao.
1.2. Biện pháp an toàn cho người, vật nuôi và môi trường
1.2.1. Đối với chăn nuôi nông hộ
– Chuồng trại, khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng, diệt mầm bệnh và các loài động vật trung gian truyền bệnh định kì và sau mỗi đợt nuôi.
– Dụng cụ dùng trong chăn nuôi phải được vệ sinh trước khi sử dụng.
– Con giống phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và phải được kiểm dịch và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc.
– Thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y và không gây hại cho vật nuôi và con người.
– Nước sử dụng trong chăn nuôi phải sạch và không gây bệnh cho vật nuôi.
– Vật nuôi được đưa ra các bãi chăn thả chung phải khoẻ mạnh và không mang mầm bệnh truyền nhiễm.
1.2.2. Đối với chăn nuôi trang trại
– Địa điểm cơ sở chăn nuôi cần được quy hoạch, cách xa các khu dân cư, đường giao thông chính, công trình công cộng và nguồn gây ô nhiễm.
– Cần đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống, dụng cụ và trang thiết bị, phương tiện vận chuyển dùng trong chăn nuôi, thức ăn, nước dùng cho vật nuôi và chất thải động vật.
Hình. Một số biện pháp an toàn trong phòng, trị bệnh cho vật nuôi