Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Công nghệ 11 Kết nối tri thức Bài 9: Bảo quản thức ăn chăn nuôii

1.1. Khái niệm và ý nghĩa của bảo quản thức ăn chăn nuôi

– Bảo quản thức ăn chăn nuôi nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình giảm chất lượng hoặc hư hỏng thức ăn trong khoảng thời gian nhất định.

– Các phương pháp bảo quản thường làm giảm quá trình oxi hoá của lipid, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm men, nấm mốc gây hại và hạn chế sự phá hoại của sâu, mọt và các loài gặm nhấm.

1.2. Phương pháp bảo quản một số loại thức ăn chăn nuôi

1.2.1. Bảo quản thức ăn chăn nuôi trong kho

– Kho bảo quản thức ăn chăn nuôi cần đảm bảo mát, thoáng và ngăn chặn sự xâm nhập của chuột, kiến, gián, đồng thời phải thuận tiện cho việc cơ giới hoá xuất và nhập kho. Trước khi chứa thức ăn chăn nuôi, kho cần được khử trùng.

– Khi bảo quản thức ăn chăn nuôi trong kho, cần lưu ý:

+ Đối với thức ăn đỗ rời, sàn kho phải được lót bạt chống ẩm và đổ thức ăn vào kho phải đặt đồ đủ độ cao từ trong ra ngoài, đồng thời đặt các vị trí thông hơi định sẵn.

+ Đối với thức ăn đóng bao, chất liệu làm bao phải bền, an toàn, có khả năng chống ẩm. Bao thức ăn phải được xếp lên kệ, không để trực tiếp trên sàn, không kê sát tường và không để trộn lẫn bao thức ăn cũ với các bao thức ăn mới.

1.2.2. Bảo quản thức ăn bằng phương pháp làm khô

Nguyên lí:

Khi lượng nước trong thức ăn chăn nuôi chỉ còn khoảng 10 – 15% sẽ kìm hãm sự hoạt động của các enzyme có trong tế bào thực vật và sự phân huỷ của vi sinh vật.

Cách làm:

Tiến hành phơi hoặc sấy để làm giảm lượng nước có trong thức ăn chăn nuôi (Hình 9.1).

Hình 9.1. Bảo quản thức ăn bằng phương pháp làm khô

Ý nghĩa:

Phương pháp này dễ thực hiện, ít tốn kém và thuận lợi cho việc bảo quản.

Hình 9.2. Các bước bảo quản rơm làm thức ăn cho trâu, bò bằng kiềm hóa và làm khô

1.2.3. Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản thức ăn chăn nuôi

a) Sử dụng chất bảo quản có nguồn gốc sinh học

– Các enzyme cellulase, hemicellulase, xylanase và amylase được sử dụng trong ủ chua để hỗ trợ quá trình lên men và phân giải các chất hữu cơ trong cây thức ăn chăn nuôi như tinh bột, cellulose, hemicellulose, lignin.

– Các hợp chất sinh học như bacteriocin và nisin có hoạt tính kháng khuẩn cao được sử dụng để ức chế mạnh mẽ sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn, nấm gây hại trong thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng các hợp chất này giúp bảo vệ, duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản của thức ăn chăn nuôi.

b) Bảo quản thức ăn bằng silo

– Kho silo được sử dụng để lưu trữ và bảo quản thức ăn chăn nuôi không đóng bao với số lượng lớn, bao gồm các loại hạt ngũ cốc và thức ăn ủ chua (Hình 9.3).

Hình 9.3. Kho silo

– Quá trình bảo quản thường đi kèm với các bước cơ bản như Hình 9.4.

Hình 9.4. Các bước bảo quản thức ăn chăn nuôi bằng silo

– Ưu điểm của kho silo bao gồm sức chứa lớn, có thể chứa hơn 1.000 tấn thức ăn; khả năng tự động hoá trong quá trình nhập, xuất kho; ngăn chặn sự phá hoại của động vật và vi sinh vật; tiết kiệm diện tích và chi phí lao động.

– Nhược điểm của kho silo là chi phí đầu tư cao.