1.1. Phần mềm nguồn mở
a. Phân loại phần mềm theo cách chuyển giao sử dụng
– Phần mềm thương mại (commercial software) là phần mềm để bán, thường đóng mã nguồn.
– Phần mềm tự do (free software) là phần mềm miễn phí và được sử dụng tự do.
Acrobat có bản tự do Acrobat Reader và bản thương mại Acrobat Pro DC
– Phần mềm nguồn mở (open-source software) là phần mềm có thể sửa đổi, cải tiến, phát triển, phân phối lại theo giấy phép được quy định. Inkscape, GIMP, Python là một số phần mềm nguồn mở được sử dụng trong bộ sách giáo khoa này.
b. Giấy phép đối với phần mềm nguồn mở
– Phần mềm thương mại chỉ được cài trên một số lượng máy tính nhất định và người dùng cần tuân thủ giấy phép sử dụng.
– Phần mềm nguồn mở cần có giấy phép để giải quyết mâu thuẫn giữa quy định bản quyền và quyền sử dụng. Giấy phép cung cấp cho người dùng các quyền vốn bị cấm bởi các quy định bản quyền.
– Giấy phép còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như miễn trừ bảo hành, tác giả và sửa đổi phần mềm. Giấy phép công cộng GNU GPL là giấy phép phổ biến nhất trong các giấy phép phần mềm nguồn mở.
– Giấy phép GNU GPL 3.0 phát hành năm 2007 có nội dung đáng chú ý như sao chép và phân phối phần mềm, sửa đổi và phân phối bản sửa đổi với điều kiện công bố mã nguồn phần sửa đổi và áp dụng giấy phép GNU.
1.2. Vai trò của phần mềm thương mại và phần mềm nguồn mở
– Phần mềm nguồn mở là cơ hội cho người sử dụng có nhu cầu giải quyết vấn đề phần mềm với chi phí đầu tư thấp.
– Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực của tin học đều có các phần mềm nguồn mở có thể thay thế được các phần mềm nguồn đóng.
Phần mềm thương mại và phần mềm nguồn mở có thể thay thế
– Phần mềm thương mại có hai loại:
+ Phần mềm “đặt hàng” được thiết kế theo yêu cầu của từng khách hàng và được bảo hành theo hợp đồng, ví dụ phần mềm điều khiển dây chuyền lắp ráp hay phần mềm đặt xe trên thiết bị di động của các hãng taxi.
+ Phần mềm “đóng gói” được thiết kế dựa trên yêu cầu chung của nhiều người và được viết rất hoàn chỉnh kèm theo công cụ cài đặt tự động giúp dễ sử dụng. Người bán không có trách nhiệm sửa chữa nâng cấp theo yêu cầu của từng người dùng nhưng có thể nâng cấp định kì, ví dụ Photoshop hay Microsoft Word.
– Phần mềm nguồn mở không thể thay thế phần mềm thương mại vì mỗi phần mềm nguồn mở đáp ứng nhu cầu chung của nhiều người, trong khi nhu cầu riêng phong phú hơn rất nhiều và chỉ phần mềm “đặt hàng” mới có thể đáp ứng được.
– Phần mềm thương mại đem lại nguồn tài chính chủ yếu để duy trì các tổ chức làm phần mềm.
– Người dùng phần mềm thương mại dễ bị lệ thuộc vào nhà cung cấp về giải pháp và hỗ trợ kĩ thuật vì thường liên quan đến giải pháp riêng của người cung cấp.
So sánh phần mềm thương mại và phần mềm nguồn mở
1.3. Phần mềm chạy trên Internet
– Phần mềm chạy trên Intemet được hiểu là phần mềm cho phép sử dụng qua Internet mà không cần phải cài đặt vào máy.
– Phần mềm chạy trên Internet (phần mềm trực tuyến) rất phổ biến, ví dụ như phần mềm mạng xã hội, thư điện tử và các ứng dụng mua sắm trên mạng,…
– Lợi ích của các phần mềm trực tuyến là có thể sử dụng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, bất cứ máy tính nào miễn là có kết nối Internet, chi phí rẻ hoặc không mất phí.
– Ví dụ: Google cung cấp nhiều phần mềm trực tuyến, ví dụ như Google Docs, Google Sheets, Google Slides, có thể thay thế cho Word, Excel hay PowerPoint của Microsoft.
Truy cập Google Docs
– Để sử dụng được các phần mềm trực tuyến của Google, cần có tài khoản Google và truy cập trang docs.google.com, sheets.google.com, slides.google.com.
– Khi truy cập trang docs.google.com để soạn thảo văn bản, người dùng có thể sửa các văn bản đã có hoặc tạo mới, văn bản sẽ được lưu tự động trên không gian lưu trữ của người dùng trên đám mây của Google.