1.1. Yêu cầu
– Nêu được rõ ràng quan điểm (tán thành hay phản đối) về vấn đề tranh biện.
– Đưa ra được các lí lẽ, bằng chứng thuyết phục để khẳng định quan điểm của mình và phản bác lại quan điểm của phía đối lập.
– Thể hiện được sự tương tác tích cực trong nhóm để phát triển ý tưởng và luận điểm; biết lắng nghe và tôn trọng người tranh biện với mình.
– Sử dụng giọng nói, ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể phù hợp.
1.2. Cách làm
1.2.1. Chuẩn bị tranh biện
* Lựa chọn đề tài
– Để cuộc tranh biện có ý nghĩa, gây được hứng thú, cần chọn vấn đề mang tính thời sự, thiết thực với đời sống và có những quan điểm tiếp cận trái chiều, đáp ứng được sự quan tâm, chờ đợi của người tham gia.
– Vấn đề tranh biện thường được phát biểu dưới hình thức một ý kiến, một nhận định; những người tham gia sẽ thể hiện quan điểm tán thành hay phản đối.
– Ví dụ:
+ Trí thông minh nhân tạo có thể quyết định tương lai của thế giới.
+ Du học sẽ mang lại cho học sinh cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt hơn.
+ Mạng xã hội là kênh giao tiếp tự do cho tất cả mọi người.
+ Cần phát triển hệ thống siêu thị để thay thế chợ truyền thống ở các thành phố lớn.
* Lập đội tham gia tranh biện
– Mỗi cuộc tranh biện thường có sự tham gia của hai đội, thể hiện quan điểm trái ngược nhau: một đội tán thành ý kiến, nhận định được nêu ra và một đội phản đối; mỗi đội có thể có 2 – 3 thành viên.
– Ngoài ra, cần có người điều hành và khán giả theo dõi, đánh giá, bình chọn.
* Nghiên cứu vấn đề đã lựa chọn và chuẩn bị ý kiến tranh biện
Mục đích của tranh biện là bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của phía đối lập. Để làm được điều đó, người tham gia tranh biện cần chú ý:
– Tìm hiểu kĩ vấn đề để nhận ra nguyên nhân xuất hiện những quan điểm khác biệt, đối lập.
– Dự kiến những lí lẽ có thể bị phản bác, suy đoán những lí lẽ mà phía đối lập có thể sử dụng để bảo vệ quan điểm của họ.
– Hình dung được rõ ràng nhiệm vụ của các đội trong tranh biện: trình bày thuyết phục các lí lẽ, bằng chứng của đội mình và trả lời những câu hỏi chất vấn; phản biện một cách sắc bén các lí lẽ, bằng chứng của phía đối lập, chú ý chất vấn xoay quanh những điểm cốt lõi.
* Tìm hiểu quy tắc tranh biện
Việc tranh biện phải được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Một số quy tắc cần tuân thủ:
– Bám sát vấn đề tranh biện;
– Thực hiện yêu cầu của người điều hành;
– Đảm bảo thời gian quy định cho mỗi lượt phát biểu;
– Không ngắt lời phía đối lập; không chỉ trích cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, không nguỵ tạo bằng chứng…
1.2.2. Thực hành tranh biện
– Người điều hành nêu vấn đề, giới thiệu thành phần tham gia, nêu rõ mục đích, quy tắc tranh biện.
– Các đội tham gia tranh biện theo tiến trình như sau:
– Người điều hành tóm tắt các luận điểm chính về vấn đề tranh biện của phía tán thành và phía phản đối; tổ chức lấy ý kiến đánh giá, bình chọn của khán giả về các nhóm tranh biện; nêu ý nghĩa của cuộc tranh biện; cảm ơn các nhóm tham gia tranh biện và khán giả theo dõi, đánh giá, bình chọn.
– Lưu ý: Khi trình bày ý kiến của mình, các bên tham gia tranh biện cần kết hợp ngôn ngữ với cử chỉ, điệu bộ để cuộc tranh biện thực sự sinh động, hấp dẫn.
1.2.3. Trao đổi, đánh giá
Có thể dựa vào các nội dung chính được gợi ý ở bảng sau để trao đổi, đánh giá về chất lượng của cuộc tranh biện và rút ra những kinh nghiệm cần thiết: