1.1. Yêu cầu viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại
– Nêu rõ vấn đề xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản, nổi bật về vấn đề đó.
– Làm sáng tỏ các biểu hiện hay phạm vi ảnh hưởng của vấn đề đối với đời sống xã hội hoặc cung cấp thông tin theo trình tự khác phù hợp với vấn đề được thuyết minh.
– Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng vấn đề thuyết minh.
– Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
1.2. Cách viết văn bản thuyết minh về một vấn đề của xã hội đương đại
Bước 1: Chuẩn bị viết
– Với mục đích cung cấp thông tin về những vấn đề của xã hội đương đại, đề tài của bài văn thuyết minh rất đa dạng. Bạn có thể chọn những vấn đề thời sự đang được quan tâm hiện nay thuộc các lĩnh vực như văn hoá, xã hội, môi trường…
– Ví dụ:
+ Cách tổ chức lễ hội văn hoá của địa phương;
+ Các loại hoạt động vì cộng đồng;
+ Những trào lưu thịnh hành trong giới trẻ hiện nay (chọn thần tượng, chọn phong cách thời trang, sử dụng mạng xã hội,
– Để triển khai bài viết, bạn cần tập hợp được các thông tin về đề tài bạn lựa chọn. Chẳng hạn:
+ Các thông tin có thể được tìm hiểu và tổng hợp từ việc quan sát đời sống, thu thập được qua sách báo, các phương tiện truyền thông.
+ Khi quan sát, tập hợp và ghi chép, chú ý những thông tin cụ thể về đặc điểm, biểu hiện, diễn biến, ảnh hưởng, tác động…
+ Lồng ghép một cách phù hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận khi trình bày bài viết.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
* Tìm ý
Một số câu hỏi có thể được đặt ra để xác định hệ thống ý cho bài viết:
– Vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh nào và từng được nhìn nhận ra sao?
– Có thể đề cập, cung cấp thông tin về vấn đề được thuyết minh theo trình tự nào?
– Việc nhận thức đầy đủ về vấn đề được đề cập có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta?
* Lập dàn ý
– Mở bài:
+ Giới thiệu vấn đề xã hội được thuyết minh trong bài viết.
+ Nêu thông tin khái quát về vấn đề đó.
– Thân bài:
+ Chọn lọc, sắp xếp và triển khai các ý đã tìm được theo một trình tự hợp lí, tuỳ thuộc vào định hướng cung cấp thông tin của người viết.
+ Cần xác định yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận nào có thể đưa vào vị trí thích hợp để làm tăng hiệu quả biểu đạt và sức hấp dẫn của bài viết.
+ Lưu ý: Việc lồng ghép yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận cần đảm bảo tính khách quan của thông tin được đề cập trong bài viết.
+ Cần dự kiến việc sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản (hình ảnh, số liệu, sơ đồ,.), giúp cho các nội dung thuyết minh được sinh động, hấp dẫn.
– Kết bài: Khái quát ý nghĩa của vấn đề được đề cập; gợi mở những ý tưởng có thể tiếp nối…
Bước 3: Viết
– Triển khai dàn ý thành các đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn theo trình tự hợp lí tương ứng với kiểu cấu trúc bài văn thuyết minh mà bạn đã lựa chọn và liên kết các đoạn thành bài văn hoàn chỉnh.
– Kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận một cách phù hợp.
– Chú ý sử dụng kết hợp một số bảng biểu, tranh ảnh phù hợp với nội dung thông tin.
– Sử dụng ngôn ngữ diễn đạt mạch lạc, sáng rõ; tuỳ vào cách tổ chức thông tin để có cách dùng các từ ngữ liên kết phù hợp.
Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiều bài và dàn ý đã lập để đảm bảo các ý được triển khai đầy đủ và theo trình tự phù hợp.
– Xem lại những đoạn, nội dung có yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong bài viết để đảm bảo việc sử dụng các yếu tố đó là phù hợp, có hiệu quả trong việc thể hiện nội dung thông tin của bài viết.
– Rà soát để đảm bảo bài viết không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu và tổ chức văn bản.