Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Cánh Diều Bài 19: Pháp luật trong đời sống xã hội

   Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ trật tự an toàn giao thông, văn hoá, giáo dục đến hôn nhân và gia đình, từ bảo vệ môi trường đến hoạt động sản xuất kinh doanh,… ở đâu cũng cần có pháp luật. Pháp luật rất cần thiết đối với Nhà nước, xã hội và công dân.

Câu hỏi: Em hãy cùng các bạn tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”. Nêu những quy định của pháp luật mà em biết.

Trả lời:

– Giết người, cướp của.

– Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình.

– Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

– Vi phạm luật giao thông.

– Học sinh tụ tập đánh nhau.

1.1. Khái niệm pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc các điều luật trang 118 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng, loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải, không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

a) Theo em, các điều khoản trong Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ môi trường là những quy định dành cho những ai?

b) Các quy định của pháp luật do cơ quan nào ban hành và đảm bảo thực hiện?

c) Pháp luật là quy tắc xử sự chung cho tất cả mọi người hay chỉ dành cho người vi phạm? Vì sao?

Trả lời:

a) Các điều khoản trong Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ môi trường là những quy định dành cho: tất cả người dân trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Các quy định của pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện.

c) Pháp luật là quy tắc xử sự chung cho tất cả mọi người. 

* Giải thích: 

– Việc tạo quy tắc xử sự chung này sẽ góp phần tạo ra sự công bằng và bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể.

– Bên cạnh đó, do Pháp luật giúp điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để các hoạt động diễn ra trong vòng trật tự nên phải áp dụng với tất cả mọi người.

   Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy tắc xử sự chung chính là nội dung của pháp luật, là chuẩn mực về những việc được làm, những việc phải làm và những việc không được làm.

   Nhà nước ban hành pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để các hoạt động trong xã hội diễn ra trong vòng trật tự. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm minh. Pháp luật bao gồm tất cả các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, bao gồm Hiến pháp, các luật và các văn bản dưới luật.

1.2. Đặc điểm của pháp luật

a) Pháp luật có tính quy phạm phổ biến, bắt buộc chung

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 119, 120 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

Người điều khiến, người ngôi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

a) Qua các thông tin trên, em hãy cho biết, các quy định trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự dành cho những đối tượng nào? Ở đâu?

b) Em hãy chỉ ra điểm khác biệt của pháp luật với Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trả lời:

Yêu cầu a) Các quy định trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự được áp dụng ở nhiều nơi, bắt buộc với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Yêu cầu b)

– Pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, dành cho tất cả mọi người.

– Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là quy định về nhiệm vụ của đoàn viên.

   Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, bắt buộc đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là đặc điểm để phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.

   Mỗi quy tắc xử sự thường được thể hiện thành một quy phạm pháp luật. Các quy tắc xử sự này bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức, bất kì ai ở vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cũng phải xử sự theo.

b) Pháp luật có tính quyền lực

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, tình huống trang 120 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

a) Vì sao cửa hàng của bà Y bị xử phạt vi phạm hành chính?

b) Việc cơ quan quản lí thị trường xử phạt cửa hàng bà M thể hiện điều gì của pháp luật?

Trả lời:

a) Cửa hàng của bà Y bị xử phạt vi phạm hành chính vì: cửa hàng bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc.

b) Cơ quan quản lí thị trường xử phạt cửa hàng bà Y thể hiện: quyền lực của nhà nước về việc áp dụng pháp luật và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật.

   Pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước. Pháp luật bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức. Người vi phạm pháp luật sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí, áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp cưỡng chế. Việc xử lí này thể hiện quyền lực nhà nước và mang tính cưỡng chế. Tính quyền lực là đặc điểm để phân biệt pháp luật với quy phạm đạo đức, trong đó việc thực hiện chủ yếu dựa vào tính tự giác, người không thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức thì sẽ bị dư luận xã hội phê phán.

c) Pháp luật có tính xác định chặt chẽ về hình thức

Câu hỏi: Em hãy đọc đoạn hội thoại trang 121 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

Từ đoạn hội thoại trên em hãy cho biết, tính chặt chẽ về hình thức của pháp luật được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Tính chặt chẽ về hình thức của pháp luật được thể hiện:

– Các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành.

– Nội dung của văn bản do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành không được trái với văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành; nội dung của tất cả các văn bản đêu phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái Hiến pháp.

– Pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào.

   Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Nội dung của văn bản do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành không được trái với văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành; nội dung của tất cả các văn bản đều phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái Hiến pháp. Pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào.

1.3. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

a) Pháp luật là phương tiện đề Nhà nước quả lí kinh tế, quản lí xã hội

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 121 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

a) Em hãy cho biết, Luật Doanh nghiệp có vai trò thế nào đối với Nhà nước và doanh nghiệp?

b) Những quy định của Luật Giao thông đường bộ có ý nghĩa như thế nào đối với Nhà nước và xã hội.

Trả lời:

Yêu cầu a) Vai trò của Luật Doanh nghiệp:

– Luật Doanh nghiệp giúp cho Nhà nước quản lí kinh tế đất nước, quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định địa vị pháp lí của các đơn vị, tổ chức kinh tế; quy định các loại thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh,…

Yêu cầu b) Luật Giao thông đường bộ giúp cho Nhà nước quản lý được việc tham gia giao thông của người dân, giúp hạn chế tai nạn giao thông,…

   Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế rất đa dạng, cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật để mọi hoạt động kinh tế diễn ra trong vòng trật tự, ổn định và phát triển. 

Nhà nước là đại diện chính thức của toàn xã hội, thông qua pháp luật, Nhà nước có điều kiện phát huy quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, mọi thành phần dân cư trong xã hội. Nhà nước quản lí xã hội về chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội, khoa học và công nghệ, thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật về từng lĩnh vực và kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b) Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, thảo luận tình huống trang 122 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

a) Ở thông tin 1, công dân đã thực hiện quyền gì của mình và thực hiện như thế nào?

b) Vì sao anh X lại căn cứ vào Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 đề khiếu nại quyết định của Giám đốc Công ty H?

Trả lời:

Yêu cầu a) Công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình. Khi đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Yêu cầu b) Trích Khoản 4 Điều 125 Bộ Luật Lao động: Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Anh X mới chỉ xin nghỉ thêm 3 ngày, có lý do khách quan chính đáng (do tàu bị trục trặc) và đã được Ban Giám đốc thông qua giấy phép nghỉ thêm nên không thể coi là anh X tự ý nghỉ làm ở công ty như lý do mà công ty đưa ra, quyết định sa thải này là không đúng pháp luật.

   Ở nước ta, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp, được cụ thể hoá trong các luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình, giáo dục,… trong đó quy định về nội dung, cách thức thực hiện quyền công dân trong từng lĩnh vực cụ thể. Thông qua pháp luật, nhân dân được thực hiện quyền của mình.

   Pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thông qua các luật về dân sự, hình sự, hành chính, tố tụng, trong đó quy định thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lí hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.