Trong lịch sử, các hoạt động kinh tế của xã hội đã vận hành theo những cách khác nhau. Có ba cách thức cơ bản là kinh tế truyền thống – nền sản xuất vận hành theo kiểu tự cung tự cấp, kinh tế kế hoạch hoá tập trung – nền sản xuất vận hành theo mệnh lệnh của Chính phủ; kinh tế thị trường – nền sản xuất vận hành theo cơ chế thị trường. |
---|
Câu hỏi: Hiện nay ở hầu hết các quốc gia, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Thông tin về thị trường xuất hiện hàng ngày trên nhiều kênh tin tức khác nhau. Em hãy xem một bản tin về sự biến động thị trường hàng hoá nào đó và cho biết tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, giá cả thị trường của hàng hoá được thể hiện như thế nào trong bản tin?
Trả lời:
– Bản tin về giá xăng dầu:
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Mặc dù, giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021-2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.
– Dựa vào bản tin trên, chúng ta có thể thấy:
+ Tình hình sản xuất: tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
+ Nhu cầu tiêu dùng: cao, giá cả cũng leo thang.
+ Giá cả thị trường: Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp.
1.1. Khái niệm cơ chế thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp trang 21 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi
a) Em hãy kể tên các chủ thể kinh tế có liên quan trong trường hợp nêu bên. Các chủ thể đó có ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào trên thị trường?
b) Theo em, lựa chọn của các chủ thể kinh tế chịu ảnh hưởng của những yếu tố nào? Khi có sự thay đổi các lựa chọn của các chủ thể kinh tế, yếu tố gì của thị trường sẽ thay đổi theo?
Trả lời:
a)
* Các chủ thể kinh tế có liên quan trong trường hợp nêu bên: người tiêu dùng cá basa, người tiêu dùng các loại thủy sản khác, người nuôi cá basa
* Các chủ thể ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào trên thị trường là:
– Điều kiện sản xuất bất lợi, sản lượng cá giảm làm giá cá Basa trên thị trường tăng cao -> nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuyển dân sang dùng sản phẩm thuỷ sản khác để thay thế -> Giá cả giảm, lợi nhuận thấp khiến người nuôi cá Basa cân nhắc chuyên vốn sang sản xuất sản phẩm khác.
– Giá cá Basa giảm dần -> người tiêu dùng quay trở lại mua sản phẩm.
=> Theo thời gian, tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế đã tự phát xác định giá cả sản phẩm cá Basa ở mỗi thời điểm trên thị trường.
b) Lựa chọn của các chủ thể kinh tế chịu ảnh hưởng của những yếu tố là:
– Điều kiện sản xuất.
– Năng lực sản xuất.
– Sự thay đổi của khối lượng, cơ cấu sản xuất sản phẩm.
– Giá cả của sản phẩm.
=> Khi có sự thay đổi các lựa chọn của các chủ thể kinh tế, yếu tố như giá cả, khối lượng, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng của thị trường sẽ thay đổi theo.
Cơ chế thị trường là cách thức vận hành của nền kinh tế, trong đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại với nhau để phân bổ các nguồn lực, hình thành giá cả, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất, tiêu dùng tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế. |
---|
1.2. Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường
Ưu điểm điểm của cơ chế thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 22 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi
a) Em hãy cho biết trên thị trường giấy Việt Nam có sản phẩm của những nhà sản xuất giấy ở những quốc gia nào?
b) Vì sao các doanh nghiệp sản xuất giấy của Việt Nam luôn phải chú trọng cải tiến kĩ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất?
c) Hãy kể tên một số sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường các quốc gia khác và sản phẩm của quốc gia khác có trên thị trường Việt Nam mà em biết.
Trả lời:
a) Trên thị trường giấy Việt Nam có sản phẩm của những nhà sản xuất giấy ở những quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, In-đô-nê-xi-a, Pháp,…
b) Các doanh nghiệp sản xuất giấy của Việt Nam luôn phải chú trọng cải tiến kĩ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất vì:
+ Áp lực cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường.
+ Nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã cho người tiêu dùng.
c) Một số sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường các quốc gia khác như:
+ Sắt thép: xuất khẩu sang các nước EU, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Mexico.
+ Quả vải thiều: xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Australia, Thái Lan,…
– Sản phẩm của quốc gia khác có trên thị trường Việt Nam như:
+ Nhập khẩu Nho mẫu đơn từ Nhật.
+ Nhập khẩu gỗ từ Campuchia.
Cơ chế thị trường có những ưu điểm nổi bật là: điều tiết sản xuất, lưu thông và tiêu dùng một cách tối ưu, tạo động lực sáng tạo cho các chủ thể kinh tế, thúc đẩy cải tiến kĩ thuật, hợp lí hoá sản xuất để hạ thấp chi phí; phát huy tốt nhất tiềm năng của mọi chủ thể, vùng miền, thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, ưu điểm của cơ chế thị trường cần có điều kiện để biểu hiện ra. Điều kiện đó là: các yếu tố sản xuất được di chuyển dễ dàng, giá cả thị trường có tính linh hoạt, thông tin thị trường nhanh nhạy và các chủ thể tham gia thị trường phải nắm được đầy đủ thông tin liên quan. |
---|
Nhược điểm điểm của cơ chế thị trường
Câu hỏi: Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin trang 24, 24 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và thảo luận
Hình 1 cho em biết điều gì về nền kinh tế thế giới từ đầu thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI?
Hình 2 phản ánh tình trạng gì xảy ra đối với tài nguyên nước? Dưới góc độ lợi ích của người sản xuất, em hãy giải thích vì sao một số nhà máy chọn phương án xả trực tiếp nước thải ra sông hồ tự nhiên? Việc làm này gây tác hại gì đối với môi trường và xã hội?
Trả lời:
– Hình 1: nền kinh tế thế giới từ đầu thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI thể hiện:
+ Những năm đầu thế kỉ XX, diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm (1914 – 1918) do sự tham chiến của hai phe là phe Liên minh (Đức, Áo-Hung, I-ta-li-a) và phe Hiệp ướ.
+ Năm 1929: Đại khủng hoảng là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra hầu hết trong những năm 1930, bắt đầu ở Hoa Kỳ. Đây là đợt suy thoái dài nhất, sâu nhất và lan rộng nhất trong thế kỷ 20, ví dụ về mức độ suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
+ Chiến tranh thứ hai (1939 – 1945) là mâu thuẫn giữa mặt trận đồng minh và phe phát xít.
+ Năm 1973: Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 bắt đầu từ tháng 10 năm 1973 khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ tuyên bố ban hành lệnh cấm vận hay nói cách khác là quyết định ngừng sản xuất dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể ở đây là nước Mỹ. Việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ này đã gây ra cuộc Khủng hoảng dầu mỏ,
+ Năm 1986: Ngày thứ Hai đen tối xảy ra vào ngày 19 tháng 10 năm 1987, khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) mất gần 22% trong một ngày. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một sự suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu và ngày thứ Hai đen tối trở thành một trong những ngày khét tiếng nhất trong lịch sử tài chính.
+ Năm 1997: Khủng hoảng tài chính châu Á là cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 ở Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở vài nước châu Á, nhiều quốc gia trong đó được coi như là “những con Hổ Đông Á”.
+ Năm 2000: Bong bóng Dotcom (Dotcom Bubble) là một bong bóng kinh tế ảnh hưởng đến giá cổ phiếu liên quan đến ngành công nghệ trong những năm 1990 – 2000 ở Hoa Kỳ.Đa số các công ty Dotcom là các công ty lớn có tên miền với đuôi “.com”.
+ Năm 2008: Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 là cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực tài chính (tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán) diễn ra từ năm 2007 cho đến tận nay.
+ Năm 2011: Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu diễn biến hết sức phức tạp. Trên bình diện khu vực, cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa là chế độ phúc lợi được thiết lập từ sau Đại chiến thế giới thứ II theo hướng “chi nhiều hơn thu.”
– Hình 2: Trình trạng xảy ra đối với tài nguyên nước:
+ Nguồn nước, ở nhiều nơi suy giảm nghiêm trọng.
+ Ô nhiễm do nước thải từ nhà máy xả thẳng ra môi trường.
– Một số nhà máy chọn phương án xả trực tiếp nước thải ra sông hồ tự nhiên vì việc làm đó sẽ không tốn nhiều chi phí để xử lí nước thải mà có chỗ chứa lớn.
– Tác hại của việc xả trực tiếp nước thải ra sông hồ tự nhiên:
+ Gây ô nhiễm môi trường nước là Cl-, SO42-, PO4, Na+, K+ và vô số các hợp chất kim loại nặng mang độc tính cao như Hg, Pb, Cd, As, Sb, Cr, F… chúng sẽ hòa tan trong nước, khiến nguồn nước bị thay đổi tính chất theo chiều hướng có hại
+ Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cơ chế thị trường có những nhược điểm là: tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng kinh tế khi có sự mất cân đối giữa sản xuất với tiêu dùng, có thể dẫn đến lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, gây suy thoái môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; dẫn đến phân hoá xã hội về thu nhập, không công bằng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế. Do cơ chế thị trường tồn tại những nhược điểm nêu trên, nên trong thực tế Nhà nước thường tham gia điều tiết nền kinh tế ở mức độ nhất định để khắc phục những nhược điểm của cơ chế thị trường. |
---|
1.3. Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường
a) Giá cả thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 24 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi
a) Thông tin bên cho em biết mức giá cụ thể của sản phẩm thịt lợn như thế nào?
b) Em hãy nhận xét về giá lợn hơi tại những thời điểm và địa điểm khác nhau theo thông tin bên.
c) Các thông tin đó cho em biết điều gì về giá cả?
Trả lời:
a) Mức giá cụ thể của sản phẩm thịt lợn: dao động trong khoảng 64 000 đồng/kg đến 69 000 đồng/kg, cụ thể:
+ Các tỉnh Yên Bái, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình: 69 000 đồng/kg.
+ Tỉnh Lào Cai tiếp tục giữ mức giá 64 000 đồng/kg.
b) Giá lợn hơi tại những thời điểm và địa điểm khác nhau sẽ có giá dao động khác nhau dựa trên sự tác động của thị trường, mỗi nơi sự tác động người mua và người bán sẽ tạo nên giá cả khác nhau.
c) Các thông tin đó cho em biết điều về giá cả là: Giá cả có thể dao động do tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động mua bán trên thị trường tại một thời điểm, địa điểm nhất định.
Giá cả thị trường là giá hàng hoá và dịch vụ hình thành do tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động mua bán trên thị trường tại một thời điểm, địa điểm nhất định. |
---|
b) Chức năng của giá cả thị trường
Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 25 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và thảo luận
a) Giá cả thị trường dầu thô đã biến động như thế nào trong năm 2020?
b) Thông tin về giá cả thị trường đã tác động như thế nào tới các chủ thể kinh tế có liên quan?
c) Thông tin 2 cho em biết điều gì về biến động của giá cả hồ tiêu trong giai đoạn từ năm 2010 – 2019?
d) Em có nhận xét gì về phản ứng của các hộ nông dân khi giá cả sản phẩm biến động?
Trả lời:
a) Sự biến động của giá cả thị trường dầu thô trong năm 2020:
+ Giá dầu thô Bơ-ren đã giảm từ gần 70 USD/thùng xuống dưới 20 USD/thùng từ tháng 01 đến tháng 4/2020.
+ Giá dầu phục hồi trong tháng 12/2020 lên trên 50 USD/ thùng – mức đủ bù chi phí với hầu hết công ty.
b) Tác động của thông tin về giá cả thị trường tới các chủ thể kinh tế có liên quan: Sự sụt giảm đột biến về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ năm 2020 buộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác phải cắt giảm sản lượng ở mức kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu.
c) Biến động của giá cả hồ tiêu trong giai đoạn từ năm 2010 – 2019:
+ Năm 2010 – 2015: giá hồ tiêu tăng.
+ Năm 2017 – 2019: giá hồ tiêu giảm.
d) Phản ứng của các hộ nông dân khi giá cả sản phẩm biến động:
+ Năm 2010 – 2015 khi giá hồ tiêu tăng => nhiều hộ nông dân các tỉnh Bình Dương, Binh Phước, Đắk Lắk phá bỏ vườn cà phê, vườn điều để chuyển sang trồng hồ tiêu.
+ Năm 2017 – 2019 khi giá hồ tiêu giảm => nhiều hộ hồ tiêu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả xuất khẩu tốt, hiện có giá cao như chuối, mít, sầu riêng,…
Giá cả là yếu tố trung tâm của thị trường, là mối quan tâm của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường. Thông qua sự biến động của giá cả, các chủ thể kinh tế nhận biết được sự khan hiếm hoặc dư thừa tương đối của hàng hoá, từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Giá cả còn giúp thị trường điều tiết và phân bổ lại các nguồn lực giữa các ngành sản xuất theo hướng có lợi nhất cho các chủ thể kinh tế. |
---|