1.1. Bản quyền thông tin và sản phẩm số
– Quyền tác giả là quyền của tác giả đối với những sáng tạo tinh thần và văn hoá (gọi tắt là tác phẩm) của mình. Các sản phẩm số cũng được bảo vệ bản quyền tác giả.
– Ví dụ, Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng cho cả những xuất bản phẩm đã được số hoá (như bài viết, tranh ảnh, video, …) và các sản phẩm kĩ thuật sổ (như trang web, phần mềm, …)
– Xét các tình huống sau để thấy rõ về quyền tác giả:
* Tình huống 1:
Trang web của một công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến có đăng bài giới thiệu về trò chơi. Nội dung bài giới thiệu và các video minh hoạ được dịch và ly từ trang web của nhà sản xuất game nước ngoài. Công ty chưa liên hệ để xin phép nhà sản xuất đó. Em hãy tham khảo các khoản 7, 8, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trị tuệ và cho biết công ty có vi phạm quyền tác giả không. Nếu có vi phạm thì theo em công ty sẽ bị xử phạt ra sao?
Xử lý tình huống:
– Nếu muốn đăng tải bài giới thiệu, công ty cần phải thỏa thuận để có được sự đồng ý của tác giả (nhà sản xuất game nước ngoài) và phải trả phí theo thỏa thuận
– Công ty đã vi phạm luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) của Quốc hội quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả.
– Tùy theo tình huống cụ thể, công ty sẽ bị xử phạt theo một trong những quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
* Tình huống 2:
Em muốn viết bài đăng lên trang web của trường giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở địa phương trong đó sử dụng bức ảnh và lời bình lấy từ trang web du lịch. Em hãy tham khảo Điều 25 Luật Sở hữu trị tuệ và cho biết mình cần phải thực hiện việc gì để không vi phạm Luật Sở hữu trị tuệ.
Xử lý tình huống:
Có thể sử dụng những bức ảnh và lời bình với điều kiện không làm sai ý tác giả và có trích dẫn một cách hợp lí. Để làm rõ nguồn thông tin đã sử dụng, ta ghi rõ tên tác giả hoặc cơ quan tổ chức, tên cuốn sách, tạp chí hay địa chỉ trang web nơi đăng thông tin, ngày tháng công bố thông tin (nếu có)
1.2. Tác hại của sự bất cẩn khi chia sẻ thông tin qua Internet
a) Thông tin cá nhân lưu trữ trong máy tính có thể bị tiết lộ
– Thông tin cá nhân của một người khi lưu trữ hoặc giao tiếp một cách bất cẩn trong môi trường số rất dễ bị kẻ xấu thu thập, đánh cắp
=> Hậu quả: bị đe dọa, lừa đảo, tống tiền nạn nhân và cả bạn bè, thân nhân của người đó.
Một số chiêu trò lừa đảo
– Cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 22/9/2020 cảnh báo
Hình 1. Cảnh báo trên Cổng thông tin ddienj tử của Chính phủ
(Nguồn: baochinhphu.vn)
– Biện pháp phòng tránh:
+ Sử dụng mật khẩu mạnh
+ Sử dụng phần mềm diệt virus
+ Khi chia sẻ thông tin trên mạng, bản thân phải có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, đồng thời phải chú ý giữ gìn, không tùy tiện tiết lộ thông tin cá nhân của người khác, ….
– Nhà nước ban hành Luật an ninh mạng:
+ Ngày 13/01/2000 quốc hội đã ban hành một số điều luật chống tội phạm tin học trong bộ luật hình sự.
+ Chính phủ đã có những giải pháp thực tế để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet xâm phạm an ninh, kinh tế quốc gia và truyền bá văn hóa phẩm độc hại.
b) Vi phạm pháp luật khi chia sẻ thông tin số
Xét các tình huống sau:
* Tình huống 1:
Tháng 3/2020, một chủ tài khoản Facebook chia sẻ lại trên trang Facebook của mình thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 từ một tài khoản Facebook khác với nội dung: “Bắt đầu từ ngày 28/3/2020, toàn Thành phồ Hồ Chí Minh sẽ bị phong toả trong 14 ngày”. Theo Luật An ninh mạng, hành vi của chủ tài khoản Facebook nói trên bị nghiêm cấm. Em hãy tìm hiểu điểm a khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ và cho biết, chủ tài khoản đó bị xử phạt bằng hình thức nào?
Xử lý tình huống:
– Mạng xã hội và các kênh thông tin trên Internet hiện đang ngày càng được ưu chuộng so với những kênh thông tin truyền thống.
– Tuy nhiên, nhiều diễn đàn, trang tin và nguồn thông tin hoạt động theo hướng tự pháp, thiếu kiểm duyệt. Điều này dẫn đến việc xuất hiện những thông tin sai sự thật, những lời lẽ thiếu văn hóa hay câu chuyện phi đạo đức. Những hành vi đó, theo điểm d khoản 1 điều 8 Luật an ninh mạng số 24/2018/QH14 bị nghiêm cấm.
* Tình huống 2:
Năm 2017, một người đàn ông bị toà án Thuy Sỹ tuyên phạt hơn 4 129 USD vì bấm nút Like các bình luận có nội dung nói xấu, phỉ báng người khác trên Facebook (Nguồn: Báo điện tử Vietnamnet ngày 01/6/2017). Theo em, ngoài việc thể hiện sự vô văn hoá, việc bấm nút Like một thông tin sai trái có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không?
Xử lý tình huống:
– Có vì đã tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai trái, vô căn cứ. Vì vậy hành vi đó có thể bị xử phạt theo khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP
– Hiện nay một số người, trong đó đa số là thanh niên, bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, vô cảm với xã hội. Họ thường xuyên tham gia các mạng xã hội để cổ vũ cho lối sống ích kỉ, coi thường pháp luật, bắt chước theo hành động vô văn hóa. Một số người lợi dụng không gian mạng để đăng tải những nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác. Những hành vi đó vi phạm “bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” theo 874/QĐ ngày 17/6/2021.
Cần có ý thức và hành động đảm bảo tính an toàn và hợp pháp khi chia sẻ thông tin trong môi trường số: – Có những hiểu biết cơ bản về các quy định của pháp luật liên quan tới bản quyền, thông tin cá nhân và việc chia sẻ thông tin trong môi trường số. – Tôn trọng bản quyền sản phẩm thông tin của người khác. – Tôn trọng thông tin cá nhân của người khác. – Thực hiện những biện pháp an ninh như sử dụng mật khẩu mạnh, phần mềm diệt virus. – Không tuỳ tiện tiết lộ thông tin cá nhân của bản thân hay của người khác. – Hạn chế đăng nhập trên máy tính lạ hoặc thông qua mạng không đáng tin cậy. |
---|