Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Ôn tập Học kì 2 – Ngữ văn 10 Tập 1 Cánh Diều

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

– Nguyễn Trãi cuộc đời và sự nghiệp: Văn bản khẳng định tài năng văn chương của Nguyễn Trãi và tâm huyết tham gia xây dựng đất nước của tác giả.

– Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi: Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Gương báu khuyên răn (Bài 43) – Nguyễn Trãi: Bài thơ Bảo kính cảnh giới – bài 43 thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.

– Kiêu binh nổi loạn – Ngô gia văn phái: Văn bản sử dụng tư liệu hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện. Qua đó thể hiện tình cảnh khủng hoảng của xã hội lúc bấy giờ.

– Người ở bến sông Châu – Sương Nguyệt Minh: Văn bản thể hiện những góc nhìn con người với những thân phận đầy ám ảnh. Qua đó rút ra bài học cho con người sống nhân ái, yêu thương và bao dung hơn.

– Hồi trống Cổ Thành – La Quán Trung: Văn bản phơi bày cục diện chính trị xã hội Trung Hoa cổ đại – một giai đoạn cát cứ phân tranh, chiến tranh loạn lạc, đất nước chia cắt, nhân dân cực kì khốn khổ. Qua đó bày tỏ nguyện vọng hòa bình, thống nhất, ổn định của nhân dân.

– Đất nước – Nguyễn Đình Thi: Bài thơ mở ra một không gian đất nước rộng lớn, tươi đẹp, nên thơ. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, lòng tự hào về một đất nước quật cường vươn lên từ bom đạn.

– Lính đảo hát tình ca trên đảo – Trần Đăng Khoa: Bài thơ khắc họa hiện thực cuộc sống khốn khổ, khó khăn của những người lính nơi đảo xa. Đồng thời ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu tổ quốc, vượt lên trên khó khăn của họ.

– Đi trong hương tràm – Hoài Vũ: Bài thơ nói về cảm xúc của nhân vật trữ tình – người con trai với nỗi nhớ “em” da diết. Mỗi lần “đi trong hương tràm” là mỗi lần hình bóng “em” lại ùa về trong nỗi nhớ của “anh”. Nỗi nhớ, tình yêu đã gắn kết những tâm hồn xa cách. Hương tràm, hoa tràm, lá tràm, bóng tràm.. chính là nhịp cầu nối những yêu thương.

– Mùa hoa mận – Chu Thùy Liên: Bài thơ tái hiện bức tranh núi rừng Tây Bắc đầy sắc hương và khung cảnh sinh hoạt nơi núi rừng. Qua đó thể hiện tình cảm nhớ thương của người đi xa khi nhớ về nhà.

– Bản sắc là hành trang – Nguyễn Sĩ Dũng: Văn bản tôn vinh những nét đặc sắc trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc tiếp thu văn hóa, hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta vẫn phải giữ được những nét riêng biệt, giữ gìn bản sắc riêng cho dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.

– Gió thanh lay động cành cô trúc – Chu Văn Sơn: Văn bản phân tích, cảm nhận những nét đặc sắc trong bài thơ Thu vịnh của tác giả Nguyễn Khuyến. Qua đó, khẳng định tài năng cả tác giả Nguyễn Khuyến.

– Đừng gây tổn thương – Ca-ren Ca-xây: Văn bản bàn về vấn đề đừng gây tổn thương cho người khác dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chúng ta sống không gây tổn thương tới người khác thì không chỉ họ mà cả tâm hồn và thể chất chúng ta cũng được nhẹ nhõm, thanh thản.

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

– Biện pháp tu từ liệt kê:

+ Liệt kê là biện pháp tu từ, theo đó, người nói, người viết kể ra nhiều sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… trong cùng một câu, một đoạn văn để tạo nên một ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả, kể chuyện hoặc biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Phép liệt kê được dùng trong cả văn xuôi và văn vần.

+ Xét theo cấu tạo, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… có thể được liệt kê theo từng cặp hoặc không theo từng cặp.

+ Xét theo ý nghĩa, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… có thể được liệt kê theo kiểu tăng tiến hoặc không tăng tiến.

– Biện pháp tu từ chêm xen:

+ Chêm xen là biện pháp tu từ, theo đó, tác giả xen thêm một thành phần biệt lập ngay sau bộ phận thể hiện thông tin chính trong câu.

+ Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng các dấu phẩy, dấu gạch ngang hay dấu ngoặc đơn.

+ Biện pháp tu từ chêm xen nhằm bổ sung ý nghĩa hoặc gia tăng tính hình tượng, sắc thái biểu cảm cho câu.

– Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ liên tưởng:

+ Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ liên tưởng, bao gồm: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá.

+ Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua hiện tượng chuyển nghĩa lâm thời của từ ngữ để làm nên hiệu lực biểu đạt. 

– Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ kết hợp:

+ Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ kết hợp, bao gồm: điệp ngữ, đảo ngữ, liệt kê, nói quá, nói giảm nói tránh.

+ Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua sự phối hợp, sắp xếp từ ngữ và các yếu tố ngữ âm để tạo ra những ý nghĩa bổ sung có hiệu quả cao. 

– Lỗi về mạch lạc trong đoạn văn, văn bản:

+ Các câu của đoạn văn (hoặc các đoạn văn, các phần trong văn bản) không nói về cùng một chủ đề.

+ Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) mâu thuẫn với nhau.

+ Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. 

– Lỗi về liên kết trong đoạn văn, văn bản:

+ Biểu hiện của lỗi này là người viết không sử dụng phương tiện liên kết giữa các câu trong một đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) hoặc sử dụng phương tiện liên kết không phù hợp.