Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 13: Thực hiện pháp luật

  Pháp luật có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình và là phương tiện để Nhà nước quản lí xã hội. Pháp luật chỉ thật sự phát huy được vai trò khi các tổ chức, cá nhân tôn trọng, tự giác, chủ động thực hiện.

Câu hỏi: Em hãy cùng các bạn tham gia trò chơi “ Ai nhanh, ai đúng”. Kể về các hành vi thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

Theo em, việc thực hiện pháp luật giao thông đường bộ có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.

Trả lời:

– Một số hành vi thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông:

+ Dừng đèn đỏ đúng quy định

+ Đi đúng làn đường

+ Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

+ Đi đúng tốc độ quy định

+ Không chở hàng hóa cồng kềnh….

– Một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông:

+ Vượt đèn đỏ.

+ Phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng

+ Đua xe/ chạy quá tốc độ cho phép…

+ Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

+ Đi/ dừng đỗ xe sai làn đường quy định

+ Chở hàng hóa cồng kềnh…

– Ý nghĩa của việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông:

+ Đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác khi tham gia giao thông

+ Giảm thiểu số lượng các vụ tai nạn giao thông

1.1. Khái niệm thực hiện pháp luật

Câu hỏi: Em hãy quan sát tranh để trả lời câu hỏi:

1. Em hãy nhận xét việc làm của các nhân vật trong tranh. Đó có phải là nghĩa vụ của họ không? Vì sao?

2. Thực hiện pháp luật có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn đời sống?

Trả lời: 

1. Các nhân vật trong tranh đâng dọn dẹp vệ sinh khu vực bờ biển. Đây là nghĩa vụ của mỗi công dân để giúp cho môi trường xung quanh mình đang sống trở nên trong sạch hơn.

2. Thực hiện pháp luật có ý nghĩa làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và trở thành hành vi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

  Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích, làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và trở thành hành vi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

1.2. Các hình thức thực hiện pháp luật

a) Tuân thủ pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, trường hợp trang 84, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức và quan sát tranh để trả lời câu hỏi:

1. Theo em, những người tham gia giao thông đã làm gì để tuân thủ Luật Giao thông đường bộ?

2.Vì sao dù rất thích chiếc xe đã chọn nhưng H lại đồng ý với ý kiến của bố?

Trả lời: 

1. Theo em, để tuân thủ luật giao thông đường bộ, những người tham gia giao thông đã: chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, tự giác dừng lại đúng vạch, không vượt qua ngã ba, ngã tư khi có đèn tín hiệu đỏ, đi đúng làn đường, …, sử dụng xe dưới 50 cm3.

2. Dù rất thích chiếc xe đã chọn nhưng H lại đồng ý với ý kiến của bố. Vì bố đã nói cho H về quy định của luật giao thông đường bộ: “Đây là xe 100 cm3, theo quy định của pháp luật, ở tuổi các con chỉ được sử dụng xe dưới 50 cm3”.

  Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật (tổ chức, cá nhân) kiềm chế không thực hiện các hành vi pháp luật cấm.

b) Thi hành pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, trường hợp trang 84, 85 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức và quan sát tranh để trả lời câu hỏi:

1. Các thanh niên trong tranh đã làm gì để thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự?

2. Vì sao cơ sở sản xuất kinh doanh K được chính quyền địa phương khen thưởng?

Trả lời: 

1. Các nhân vật trong tranh đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị lên đường đi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đó là nghĩa vụ của họ vì đây là việc cá nhân thực hiện nghĩa vụ công dân, chủ động làm những việc pháp luật quy định phải làm.

2. Cơ sở K được chính quyền địa phương khen thưởng, vì: đã chủ động xây dựng hệ thống thu gom, xử lí các chất thải trong quá trình sản xuất theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

  Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thế pháp luật (tổ chức, cá nhân) chủ động thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà pháp luật quy định phải làm (bắt buộc phải làm).

c) Sử dụng pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, trường hợp trang 85, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức và quan sát tranh để trả lời câu hỏi:

1. Trong bức tranh trên, người phụ nữ đã sử dụng pháp luật như thế nào để thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình?

2. Ông T đã sử dụng quyền gì theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mình?

3. Em hãy nêu ví dụ minh hoạ cho hình thức sử dụng pháp luật.

Trả lời: 

1. Trong bức tranh trên, người phụ nữ đã sử dụng pháp luật trong việc:

+ Chọn ngành nghề, hình thức kinh doanh phù hợp với điều kiện, khả năng của mình

+ Tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật.

+ Đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nộp hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp.

2. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mình, ông T đã: khiếu nại Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện vì đã ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông trái pháp luật khi chưa thống nhất về giá đền bù thiệt hại.

3. Ví dụ minh hoa cho hình thức sử dụng pháp luật:

– Ví dụ 1: A đủ 18 tuổi và không bị mất năng lực nhận thức, làm chủ hành vi. Đến ngày bầu cử, A thực hiện quyền lợi của mình, đi bầu cử cho vị đại biểu mà mình tin tưởng

– Ví dụ 2: công dân có quyền khởi kiện ra tòa án đòi bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm lợi ích trong các giao dịch dân sự. Ông B bị thiệt hại do công ty A không thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng, do đó, ông B đã khởi kiện công ty A ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại.

  Tuân Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể (tổ chức, cá nhân) thực hiện các quyền và tự do pháp lý của mình theo quy định của pháp luật (làm những việc pháp luật cho phép làm).

d) Áp dụng pháp luật

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin, tình huống trang 86, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức và quan sát tranh để trả lời câu hỏi:

1. Theo em, căn cứ nào để Hội đồng xét xử tuyên một bản án?

2. Việc xử phạt của cảnh sát giao thông nhằm mục đích gì? Căn cứ nào để họ thục hiện nhiệm vụ đó?

3. Theo em, chủ thể nào có quyền áp dụng pháp luật?

Trả lời: 

1. Theo em, Hội đồng căn cứ vào các điều luật để xác định trách nhiệm pháp lí của cá nhân, tổ chức và tuyên một bản án.

2. Việc xử phạt của cảnh sát nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông; buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của mình. Cảnh sát giao thông căn cứ vào các điều luật để xác định hành vi vi phạm và xử phạt người vi phạm.

3. Theo em, chủ thể có quyền áp dụng pháp luật: các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền, căn cứ vào pháp luật.

  Áp dụng pháp luật là việc các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền, căn cứ vào pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức.

 – Áp dụng pháp luật mang tính quyền lực nhà nước.

  – Áp dụng pháp luật được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

  – Áp dụng pháp luật theo nguyên tắc cá biệt hoá các quy phạm pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.