Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 10 Kết nối tri thức Bài 40: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

1.1. Phát triển bền vững

a) Khái niệm

Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

– Cấu thành của phát triền bền vững:

+ Thường được mô tả bởi ba vòng tròn lồng ghép vào nhau, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

+ Phần giao của ba vòng tròn chính là phát triển bền vững.

Hình 40. Các yếu tố của phát triển bền vững

b) Sự cần thiết phải phát triển bền vững

– Về kinh tế:

+ Tập trung theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP nhanh ⇒ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, lượng chất thải tạo ra môi trường quá cao.

+ Việc tập trung vào các mục tiêu kinh tế và bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên dẫn tới hậu quả môi trường bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng.

– Về xã hội: Tình trạng gia tăng dân số, đô thị hoá quá nhanh, phân chia giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, vấn đề sức khoẻ, thất nghiệp và việc làm, phân biệt chủng tộc, sự xung đột và chiến tranh,… Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sự an toàn và thịnh vượng của con người và trở thành mối quan tâm cấp bách của tất cả các quốc gia.

– Về môi trường:

+ Ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), biến đổi khí hậu, lượng chất thải quá lớn chưa qua xử lí đổ ra môi trường, mất đa dạng sinh học, nạn phá rừng, sự suy giảm lớp ô-dôn, mưa a-xít,… 

+ Cần nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và hành động để giải quyết các vấn đề đó đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

1.2. Tăng trưởng xanh

a) Khái niệm

Tăng trưởng xanh là sự thúc đầy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường cho cuộc sống con người trong tương lai.

– Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hoà với môi trường sinh thái – mà cụ thể là tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trưởng, với mục tiêu cao nhất là duy trì bền vững sự tăng trưởng kinh tế.

Xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…

b) Biểu hiện

– Lấy chính các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, do sản xuất điện than có mức phát thải C02 lớn nên nhiều nước trên thế giới có xu hướng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, giảm dần tỉ trọng của nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

– Hướng tới việc sử dụng tài nguyên có hạn của Trái Đất một cách hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động, đồng thời giảm các tác động đến môi trường.

– Việc giảm bất bình đẳng thông qua tiêu dùng xanh, đổi mới sản xuất và kinh doanh.

– Một số ví dụ:

+ Tăng trưởng xanh hướng tới cung cấp các dịch vụ và tiện ích năng lượng cơ bản nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo.

+ Mô hình lưới điện mini sử dụng các nguồn năng lượng thay thế bao gồm năng lượng mặt trời, sinh khối, gió, địa nhiệt,… đang trở nên phổ biến ở các khu vực có thu nhập thấp ở châu Á nhằm làm giảm sự chênh lệch trong tiếp cận lưới điện giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Quảng Ninh đã kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển giá trị đích thực của Vịnh Hạ Long