Kho tàng tài liệu học tập phong phú.

Địa lí 10 Kết nối tri thức Bài 15: Sinh quyển

1.1. Khái niệm

– Sinh quyển là một trong những bộ phận cấu tạo nên lớp vỏ Trái Đất, nơi có sự sống tồn tại.

– Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào sự tồn tại của sự sống. Ranh giới trên cao tiếp xúc với lớp ô-dôn của khí quyển, ranh giới thấp xuống tận đáy sâu của các hố đại dương và dừng lại ở đáy lớp vỏ phong hoá trên đất liền.

⇒ Sinh quyển bao gồm: phần thấp của khí quyển (tầng đối lưu), toàn bộ thuỷ quyền và phần trên của thạch quyển.

1.2. Đặc điểm của sinh quyển

– Khối lượng của sinh quyển nhỏ hơn nhiều so với khối lượng vật chất của các quyển còn lại trong vỏ Trải Đất.

– Sinh quyển có khả năng tích luỹ năng lượng. Nhờ có khả năng quang hợp, cây xanh có thể tạo nên vật chát hữu cơ từ vật chất vô cơ. Sau đó các năng lượng này được chuyển cho các cơ thể khác trong quá trình dinh dưỡng,…

– Sinh quyển có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại với các quyển thành phần trên Trái Đất. Hình dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa các quyển với nhau.

Mối quan hệ giữa Sinh quyển và các quyển khác

– Sinh quyển tác động đến sự thay đổi của các thành phần khí trong khí quyển, tham gia vào vòng tuần hoàn nước và quá trình trao đổi chất của sinh vật dưới nước, là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành đất.

1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển phân bố của sinh vật

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố của sinh vật

– Khí hậu: Các yếu tố nhỉệt độ, ánh sáng,… ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố sinh vật. Mỗi loài sinh vật thích nghi với một giới hạn sinh thái nhất định.

+ Nhiệt độ tác động đến các quá trình sinh trưởng, phát triển (nảy mầm, ra hoa, sinh sản,…) và quy định vùng phân bố của sinh vật.

+ Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp năng lượng chính cho mọi sự sống trên Trái Đất. Ánh sáng tác động đến quả trình quang hợp của cây xanh, đến khả năng định hướng và sinh sản của động vật.

– Nước: Là nguyên liệu cho cây quang hợp, là phương tiện vận chuyển và trao đổi khoáng, chất hữu cơ trong cây, vận chuyển máu và chất dinh dưỡng ở động vật. Những nơi có nguồn nước dồi dào, sinh vật rất phát triển. Ngược lại, ở những vùng hoang mạc khô hạn, sinh vật có số lượng rất ít.

– Đất: Cấu trúc của đất, độ pH đất, độ phì có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển và sự phân bố thực vật. Qua đó, cũng tác động đến sự phân bố động vật.

– Địa hình:

+ Quan sát hình 15 để thấy được địa hình ảnh hưởng như thế nào đến sự phân bố của sinh vật.

+ Độ cao của địa hình làm thay đổi lượng nhiệt, lượng nước và các chất dinh dưỡng trong đất mà cây nhận được. Nhiệt và ẩm thay đổi theo độ cao làm cho phân bố thực vật cũng thay đổi theo và hình thành nên các vành đai tương ứng như sự thay đổi theo chiều vĩ độ.

+ Độ dốc và hướng sườn cũng tác động đến lượng nhiệt, ánh sáng và ẩm mà thực vật nhận được.

Hình 15. Các vành đai thực vật thay đổi theo vĩ độ (từ vùng nhiệt đới lên cực) và theo độ cao (ở vùng nhiệt đới)

– Sinh vật: Nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển và phân bố của động vật là nguồn thức ăn. Vì thế, nơi nào có nguồn thức ăn phong phú thì nơi đó có sự tập trung của nhiều loài, tạo nên tính đa dạng sinh học trong tự nhiên.

– Con người: Hoạt động kinh tế cũng có ảnh hưởng rất lớn tới sự phân bố của sinh vật cả theo hướng tích cực (mở rộng phạm vi phân bố của nhiều loại cây trồng, vật nuôi,…) và tiêu cực (phá rừng, thu hẹp diện tích rừng tự nhiên,…).