1.1. Trọng lực
a. Trọng lực
– Trọng lực là lực hấp dẫn do Trái Đất tác dụng lên vật. Trọng lực là một trường hợp riêng của lực hấp dẫn.
– Trọng lực được kí hiệu là vectơ \(\overrightarrow P \), có:
+ Phương thẳng đứng
+ Chiều hướng về phía tâm Trái Đất.
+ Điểm đặt của trọng lực gọi là trọng tâm của vật.
+ Độ lớn: P = m.g.
b. Trọng lượng
– Khi vật đứng yên trên Trái Đất, trọng lượng của vật bằng độ lớn của trọng lực tác dụng lên vật: P = m.g
– Ở gần mặt đất, gia tốc rơi tự do có giá trị gần đúng g = 9,8 m/s2.
c. Phân biệt trọng lượng và khối lượng
– Trọng lượng của một vật thay đổi khi đem đến một nơi khác có gia tốc rơi tự do thay đổi.
– Khối lượng là số đo lượng chất của vật. Vì vậy, khối lượng của một vật không thay đổi khi ta chuyển nó từ nơi này đến nơi khác.
1.2. Lực căng
– Khi dùng hai tay kéo dãn một sợi dây cao su, ta thấy dây cao su cũng kéo trở lại hai tay. Khi một sợi dây bị kéo thì ở tại mọi điểm trên dây, kể cả hai đầu dây xuất hiện lực để chống lại sự kéo (Hình 17.4), lực này gọi là lực căng, kí hiệu là \(\overrightarrow T \).
Hình 17.4
– Mỗi sợi dây chỉ chịu được một lực căng giới hạn. Khi lực tác dụng lên dây vượt quá giá trị giới hạn này thì dây sẽ đứt.
– Trong Hình 17.6, nếu khối lượng của ròng rọc và của dây đều nhỏ so với khối gỗ (có thể bỏ qua) thì lực căng ở các điểm trên dây có độ lớn bằng nhau.
Hình 17.6