1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Thơ Nôm Đường luật
– Thơ Nôm Đường luật là loại thơ được sáng tác theo thể Đường luật, viết bằng chữ Nôm, hình thành vào khoảng thế kỉ XIII.
– Có thể xem đây là một “lối thơ riêng” do các tác giả trung đại Việt Nam sáng tạo dựa trên mô hình của thơ Đường luật
– Thơ Nôm Đường luật đã đạt được những thành tựu lớn, góp phần quan trọng vào việc tạo nên diện mạo của nền thơ trung đại Việt Nam.
– Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là một đỉnh cao của thơ Nôm Đường luật, đánh dấu bước khởi đầu đẹp đẽ của nền thơ tiếng Việt thời trung đại.
1.1.2. Tập thơ Quốc âm thi tập
+ Vị trí: là tập thơ Nôm sớm nhất Việt Nam – mở đường cho sự phát triển của thơ tiếng Việt.
+ Số lượng: 254 bài.
+ Nội dung: Vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi.
+ Nghệ thuật: Ngôn ngữ bình dị, có xen các câu lục ngôn vào thể thơ thất ngôn Đường luật.
Trang 1 Quốc âm thi tập bản nguyên tác của Nguyễn Trãi
1.1.3. Tác phẩm Bảo kính cảnh giới
a. Xuất xứ:
Bảo kính cảnh giới là bài thứ 43 thuộc phần “Bảo kính cảnh giới” (gương báu răn mình), ở phần vô đề của tập thơ “Quốc âm thi tập”.
b. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ được sáng tác khoảng những năm 1438 – 1439 khi tác giả về ở ẩn tại Côn Sơn.
c. Bố cục:
Gồm 2 phần:
– Phần 1 (6 câu thơ đầu): bức tranh thiên nhiên ngày hè.
– Phần 2 (2 câu thơ cuối): tấm lòng của Nguyễn Trãi.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè
– Câu 1: Tâm thế của nhà thơ:
+ Rồi: rỗi rãi, không vướng bận.
+ Hành động: hóng mát => thư thái, thảnh thơi.
+ Thời gian: thuở ngày trường =>ngày dài, hết ngày này đến ngày khác.
+ Cách ngắt nhịp 1/2/3: nhấn mạnh vào hoàn cảnh đặc biệt của Nuyễn Trãi phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi của nhà thơ.
=> Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng một tâm trạng yêu thiên nhiên tha thiết, đồng thời với một tâm thế thư thái khi đến với thiên nhiên, rảnh rỗi hóng mát nhưng tâm trạng bất đắc chí. Câu thơ hiện lên hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Trãi, ông đang ngồi dưới bóng cây nhàn nhã như hóng mát thật sự. Việc quân, việc nước chắc đã xong xuôi ông mới trở về với cuộc sống đơn sơ, giản dị, mộc mạc mà chan hòa, gần gũi với thiên nhiên.
– Câu 2, 3, 4: Bức tranh thiên nhiên ngày hè:
+ Cách ngắt nhịp 3/4 làm nổi bật cảnh sắc của mùa hè.
+ Hình ảnh: hòe lục, thạch lựu, hồng liên trì, là những hình ảnh mộc mạc, gần gũi, bình dị chốn thôn quê Việt Nam.
Hương sen tỏa ngát nơi thôn quê ngày hè
+ Màu sắc: màu xanh của lá hòe, đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen. Bức tranh sinh động nhiều màu sắc.
+ Trạng thái của cảnh vật: sử dụng các động từ mạnh, tính từ sắc thái hóa: đùn đùn, giương, phun, tiễn. Cảnh vật đang tự thôi thúc, ứa căng sự sống, đua nhau trổ dáng, khoe sắc, tỏa hương.
–> Có thể nhận thấy bức tranh thiên nhiên mùa hè hiện ra một cách hài hòa giữa cảnh vật với nhau, tạo nên điểm nhìn nghệ thuật. Cảnh mùa hè qua tâm hồn, tình cảm của ông bừng bừng sức sống. Cây hòa lớn lên nhanh, tán cây tỏa rộng che rợp mặt đất như một tấm trướng rộng căng ra giữa trời với cành lá xanh tươi. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tỏa hương, màu hồng của những cánh hoa điểm tô sắc thắm. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi, sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy, cuộc đời là một vườn hoa, một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Cảnh vật như cổ tích có lẽ bởi nó được nhìn bằng con mắt của một thi sĩ đa cảm, giàu lòng ham sống với đời…
– Câu 5, 6: Bức tranh cuộc sống, con người:
+ Thời gian: lầu tịch dương, cuối ngày, lúc mặt trời sắp lặn.
+ Âm thanh: lao xao gợi sự ồn ào, náo nhiệt nơi chợ cá => âm thanh của cuộc sống hằng ngày. Dắng dỏi: tiếng ve kêu inh ỏi, rộn rã ngân dài => âm thanh đặc trưng của mùa hè.
Cảnh chợ quê náo nhiệt ngày hè
+ Nghệ thuật đảo ngữ lao xao chợ cá và dắng dỏi cầm ve nhấn mạnh âm thanh đặc trưng ngày hè, không khí nhộn nhịp buổi chiều nơi làng quê.
+ “Chợ” là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt. Chợ đông vui thì nước thái bình, thịnh trị, dân giàu đủ ấm no: chợ tan rã thì dễ gợi hình ảnh đất nước có biến, có loạn, có giặc giã, có chiến tranh, đao binh… lại thêm tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã. Chính những màu sắc nơi thôn dã này làm cho tình cảm ông thêm đậm đà sâu sắc và gợi lại ý tưởng mà ông đang đeo đuổi.
=> Tác giả đã mở ra không gian ngày hè đầy màu sắc và âm thanh trong sáu câu thơ trên, từ đó chúng ta đủ thấy được bức tranh ngày hè rất sinh động và tràn đầy sức sống, có sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người. Nguyễn Trãi đã quan sát thiên nhiên bằng tất cả các giác quan của mình và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của tác giả.
1.2.2. Tấm lòng của Nguyễn Trãi
– Điển tích: Ngu cầm đàn của vua Nghiêu Thuấn.
– Ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam phong để mong đất nước có vị vua anh minh, dân có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
– Lấy hình ảnh vua Nghiêu, Thuấn làm gương răn mình để bộc lộ chí hướng cao cả, khát khao đem tài trí để phục vụ cho dân, cho nước.
– Câu kết (câu lục ngôn) nhịp 3/3 thể hiện được cảm xúc dồn nén, tấm lòng ưu ái với dân, với nước của tác giả.
– Những điều ước của tác giả nhằm hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ông ước gì lúc này có được trong tay cây đàn của vua Thuấn, đàn một tiếng để nổi lên niềm mong mỏi lớn nhất của mình là dân chúng khắp nơi đều được giàu có, no đủ. Ẩn giấu đằng sau lời ước mong ấy là sự trách móc nhẹ nhàng mà nghiêm khắc bọn quyền thần tham bạo ở triều đình đương thời không còn nghĩ đến dân, đến nước. Theo ông, với cảnh nước non tươi đẹp cùng nhân dân chất phác, siêng năng, cuộc sống lẽ ra phải được trở lại ấm no, hạnh phúc từ lâu.
=> Tác giả là người không những có lòng yêu nước, thương dân mà ông còn yêu thiên nhiên tha thiết, Nguyễn Trãi vẫn không nguôi nỗi niềm dân nước, ông tìm thấy ở thiên nhiên cỏ hoa xinh tươi kia một nguồn thi hứng, nguồn động viên, an ủi và khích lệ đáng quý đối với bản thân. Điều đó góp phần tạo nên cốt cách của Nguyễn Trãi, bậc trượng phu – chính nhân quân tử – hiên ngang như cây tùng, cây bách trước giông bão cuộc đời.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Bài thơ “Cảnh ngày hè” thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
1.3.2. Về nghệ thuật
– Từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm; hình ảnh thơ gần gũi; câu lục ngôn, dồn nén cảm xúc.
– Thể thơ Đường luật phá cách, xen vào các câu thơ lục ngôn.
– Tả cảnh ngụ tình.
Các em có thể tổng kết toàn bộ nội dung bài học qua sơ đồ tư duy dưới đây: