1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Thể loại tuồng
– Tuồng (hay còn gọi là luông tuồng, hát bộ, hát bội) là một loại hình nhạc kịch thịnh hành tại Việt Nam
– Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng.
– Có thể nói tuồng là sân khấu của những người anh hùng… Loại hình này khác biệt với cải lương xã hội, cải lương Hồ Quảng (cải lương tuồng cổ), thoại kịch, opera,… là những hình thức diễn xướng sân khấu mới ra đời trễ và được chuộng hơn.
1.1.2. Xuất xứ
a. Tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến
– Nghêu, Sò, Ốc, Hến thuộc loại tuồng đồ (tuồng hài), châm biếm sâu sắc nhiều thói hư tật xấu trong xã hội và lật tẩy bộ mặt xấu xa của một số kẻ thuộc bộ máy cai trị ở địa phương trong xã hội xưa.
Một cảnh trong vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến
– Đây là tác phẩm tiêu biểu trong di sản tuồng truyền thống và là vở tuồng đồ thuộc loại đặc sắc nhất.
– Tích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến có một số dị bản, kể khác nhau ở một vài chỗ, trong đó có tình tiết đánh ghen cuối vở.
– Văn bản Nghêu, Sò, Ốc, Hến do Hoàng Châu Ký chỉnh lí (1957) gồm có tất cả ba hồi.
b. Văn bản Huyện đường
– Trích từ vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến, thuộc cảnh I của hồi thứ II, thể hiện cảnh tri huyện và đề lại bàn bạc với nhau về cách nhũng nhiễu người kêu kiện.
1.1.3. Tóm tắt văn bản Huyện đường
Huyện đường là đoạn trích trong tác phẩm Nghêu, Sò, Ốc, Hến kể lại một cảnh làm việc nơi huyện đường, vào thời điểm diễn ra cuộc kiện tụng liên quan đến vụ trộm của Thị Hến. Tri lại, đề huyện và lính lệ đang suy tính bàn cãi tính kế xử kiện như thế nào để có thể lấy được nhiều tiền nhất từ những kẻ có liên quan như Sò, Ốc và Nghêu. Cuối cùng, chúng quyết định xử Ốc năm năm tù, phạt Nghêu đòn năm mươi trượng và phạt lí trưởng năm mươi quan tiền.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Những sự kiện chính
– Tri huyện bước ra đầu tiên, tự xưng tên tuổi, chức vụ và kinh nghiệm của mình
– Đề lại theo hầu phía sau, hỏi thăm và thưa với tri huyện về vụ án của Thị Hến
– Sau một hồi bàn bạc, tri huyện và đề lại đưa ra phương án xử tù, phạt đòn và phạt tiền đối với Ốc, Nghêu và lí trưởng còn Sò và Hến thì đợi xem xét
– Lính lệ ra gọi cả bên nguyên, bên bị, nhân chứng vào hầu
1.2.2. Bản chất của tri huyện và đề lại
– Tri huyện:
+ Vì cho rằng Sò lại vì nó rất giàu mà hoãn việc xử án để tra cứu
+ Tri huyện lập tức hưởng ứng “phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu” để kiếm lợi cá nhân
– Đề lại:
+ Khi tri huyện nói muốn để trường hợp của Sò lại vì nó rất giàu, đề lại đã đưa ra phương án để nói với mọi người là “ta cứ bảo là để tra cứu đã”
+ Đề lại nói muốn xử cho xong những bọn trọc đầu
+ Đề lại khen ngợi, tâng bốc, nịnh nọt với cách xử kiện của tri huyện “bẩm quan xử thật sâu sắc”, “vâng ạ, quan xử hay lắm”
–>Những kẻ tham lam, vô trách nhiệm, chuyên dùng quyền uy để nhũng nhiễu, ăn hối lộ đút lót của dân chúng khi xử kiện.
1.2.3. Thái độ và cách nhìn nhận của người dân xưa đối với chốn “cửa quan”
– Người dân xưa đối với chốn “cửa quan” vừa sợ sệt lại vừa đáng thương.
– Họ là những con người thấp cổ bé họng nên không biết dựa dẫm vào đâu, chỉ có thể đến cửa quan kêu oan, nhưng chính họ cũng không biết rằng, cửa quan chưa chắc đã là nơi giúp họ lấy lại công bằng.
– Lời lẽ của lí trưởng và trùm sò khi được lính lệ gọi vào đầy vẻ khúm núm: “Vâng, tôi biết anh tử tế lắm, chúng ta với nhau rồi”; “Vâng, tôi xin hậu tạ, anh cứ giúp đỡ cho”.
–>Người dân vì thấp cổ bé họng nên không hề trông cậy vào chốn “cửa quan”.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
– Đoạn trích châm biếm và vạch trần bộ mặt của xấu xa của những kẻ thuộc bộ máy cai trị như tri huyện và đề lại, qua đó cho thấy xã hội phong kiến xưa với những góc khuất, những kẻ tham lam dựa vào quan chức để nhũng nhiễu dân chúng
– Bộc lộ niềm cảm thông, thương xót đối với những người dân thấp cổ bé họng bị lợi dụng
1.3.2. Về nghệ thuật
– Nghệ thuật châm biếm có pha chút hài hước, hóm hỉnh
– Ngôn từ dân gian, mộc mạc, dễ hiểu