1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Hô-me-rơ
a. Tiểu sử
– Hô-me-rơ là nhà thơ huyền thoại của Hy Lạp cổ đại, được coi là tác giả của sử thi I-li-át và Ô-đi-xê. Ông được coi là một trong những nhà thơ Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất.
– Một số tài liệu từ thời cổ đại ước định Hô-me-rơ sống trong khoảng thế kỉ VIII – VII trước Công nguyên, nhưng không thống nhất về quê quán của nhà thơ, không rõ ở Hy Lạp hay ở Tiểu Á.
– Theo truyền thuyết, ông bị mù và là một người hát rong – kể chuyện tài năng.
– Một số học giả cho rằng Hô-me-rơ có thể là một cái tên hư cấu, hoặc là tên gọi chung cho một tập thể người hát rong – kể chuyện từ thời cổ đại
– Dù thế nào đi nữa, hai bộ sử thi cùng các tác phẩm được coi là của Hô-me-rơ cũng trở thành những mẫu mực của văn chương đối với nhiều thời đại về sau.
b. Sự nghiệp sáng tác
– Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là I-li-at và Ô-đi-xê được ghi chép lại chính thức vào thế kỉ thứ VI trước công nguyên theo lệnh của bạo chúa Athena lúc bấy giờ là Peisistrator. – Tác phẩm I-li-at có nội dung dựa trên các thần thoại về cuộc chiến thành Troy, còn nội dung của Ô-đi-xê là trường ca kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Ô-đi-xê và hành trình trở về quê hương gian nan của người anh hùng này.
1.1.2. Tác phẩm Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
a. Thể loại
– Tác phẩm Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác thuộc thể loại sử thi.
b. Xuất xứ
* Sử thi I-li-at
– I-li-at được cho là ra đời từ thế kỉ VIII trước Công nguyên
– Đây là thiên sử thi đồ sộ gồm 15693 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể về những sự kiện diễn ra trong 51 ngày, năm thứ mười cuộc chiến trang của những người Hy Lạp tấn công thành Tơ-roa ở vùng tây bắc bán đảo Tiểu Á, cuộc chiến tranh được xác định là đã diễn ra vào khoảng thế kỉ XII trước Công nguyên
– Với cốt truyện được huyền thoại hóa, I-li-at ngợi ca vẻ đẹp lý tưởng của con người trong chiến tranh
* Văn bản Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác
– Vị trí: Được trích từ sử thi I-li-át, là đoạn trích từ câu thơ 370 đến 496, khúc ca VI, sử thi I-li-at.
– Nội dung đoạn trích: Héc-to về nhà từ biệt Ăng-đrô-mác và con trai để quyết tâm ra trận. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Ăng-đrô-mác khuyên Héc-to ở lại đừng ra trận vì không muốn mẹ góa con côi nhưng Héc-to quyết định dứt áo ra đi sau khi nói rõ lòng mình với Ăng-đrô-mác. Sau khi từ biệt Ăng-đrô-mác, Héc-to ra trận, dũng cảm chiến đấu với dũng tướng A-giắc của quân Hy Lạp.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Nguyên nhân Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác
– Biến cố dẫn đến việc Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác là khi Ăng-đrô-mác muốn chàng từ bỏ chiến trận về đoàn tụ với vợ con, vì nàng lo ở chốn chiến trường khốc liệt Héc-to sẽ khó bảo toàn tính mạng. Còn Héc-to thì không muốn từ bỏ lý tưởng anh hùng của mình, chàng muốn ra trận để không phải hổ thẹn với những người anh em, với những chiến binh khác và phu nhân của họ. Hơn thế, Héc-to đã quen ở tuyến đầu, chàng là người mang vinh quang về cho bản thân và gia đình, vậy nên lòng tự tôn và kiêu hãnh càng không cho phép chàng ở lại quê nhà với vợ con.
– Có thể xem đây là biến cố đặc trưng của thể loại sử thi vì sử thi thường xây dựng những nghệ thuật hoàng tráng, hào hùng về những biến cố diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại vậy nên hình tượng người anh hùng đã trở thành nhân vật cổ điển trong thể loại này. Đối với người anh hùng, việc phải cân bằng giữa lý tưởng chiến đấu và tình cảm gia đình là một trong những biến cố lớn nhất.
1.2.2. Những đặc điểm cố định của nhân vật
– Ăng-đrô-mác: cánh tay trắng ngần, xống áo thướt tha, trang phục diễm lệ, hiền thục, cao quý, dịu hiền
– Héc-to: lẫy lừng, mũ trụ sáng loáng, ánh đồng sáng lóa, cái ngù bờm ngựa cong cong, hồn hậu, mũ trụ đồng thau sáng loáng
–>Nhân vật được khắc họa qua những từ ngữ lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh đặc điểm đặc trưng, tạo nên dấu ấn riêng của mỗi nhân vật trong văn bản, không nhầm lẫn với bất cứ một nhân vật nào. Đồng thời việc khắc họa này còn tạo nên kiểu nhân vật điển hình trong thể loại sử thi.
1.2.3. Nhân vật Héc-to
– Nhân vật Héc-to – kiểu nhân vật điển hình cho người anh hùng Hy Lạp thời cổ đại, có thể nhận thấy người anh hùng thời kì này thường mang những phẩm chất:
– Dũng cảm, có lý tưởng chiến đấu và luôn sẵn sàng xông pha chiến trận
– Kiên cường, không chịu thua, có lòng tự tôn, kiêu hãnh dân tộc
– Phân biệt rạch ròi giữa tình cảm gia đình, vợ chồng cá nhân và lợi ích của dân tộc, biết cân bằng những mối quan hệ xung quanh
1.2.4. Nhân vật Ăng-đrô-mác
Trong văn bản, Ăng-đrô-mác hiện lên với những hình ảnh:
– Hành động: “nước mắt đầm đìa”, “xiết chặt tay Héc-to”, “nức nở”, “ôm chặt con vào bầu ngực thơm tho, cười qua hàng lệ”; khi Héc-to ra đi, nàng “bước về nhà, hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn qua bóng hình phu quân yêu quý”
– Lời nói:
+ “Lòng can đảm của chàng sẽ hủy hoại chàng… thiếp nguyện xuống hồ sâu còn hơn để mất chàng. Chàng bỏ thiếp lại một mình, còn gì thiết tha trên cõi đời này nữa”
+ “Héc-to chàng hỡi, giờ đây với thiếp, chàng là cha và cả mẹ kính yêu; chàng là cả anh trai duy nhất, cả đức lang quân cao quý của thiếp”
+ Xin chàng hãy rủ lòng thương thiếp và con mà đừng ra trận,… đừng để trẻ thơ phải mồ côi, vợ hiền thành góa phụ
—>Những lời nói và hành động đó cho thấy Ăng-đrô-mác là một người phụ nữ yêu chồng, thương con, rất tha thiết với gia đình và luôn khao khát hạnh phúc. Nhưng đồng thời, nàng cùng là một người phụ nữ cảm tính, thiên về cảm xúc, đôi khi lo lắng đến mất đi lý trí, nhưng đó cũng là tính cách chung của những người phụ nữ có chồng đi chinh chiến trong sử thi.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
– Đoạn trích đã khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Héc-to – bức tranh đại diện cho những người anh hùng Hy Lạp cổ đại với những phẩm chất tiêu biểu như can đảm, dũng cảm, tự trọng và không sợ cường quyền, khi phải lựa chọn giữa lợi ích gia đình và cộng đồng, cảm nhận được tấm lòng và sự cương quyết của người anh hùng với những giẳng co nhưng cuối cùng vẫn nhất quyết lựa chọn ra chiến trận vì lợi ích của cộng đồng
– Gợi ra bài học về việc phải lựa chọn giữa việc thực hiện bổn phận với cộng đồng và gia đình cho mỗi cá nhân
1.3.2. Về nghệ thuật
– Văn bản xây dựng nhân vật người anh hùng Héc-to theo đúng motip của người anh hùng trong sử thi, thể hiện được những nét đặc trưng điển hình của kiểu nhân vật người anh hùng
– Ngôn từ, giọng văn rành mạch, kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu cảm, tự sự
– Thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật