1.1. Ôn lại thể loại thơ Hai-cư
– Hai-cư là thể thơ truyền thống có vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản.
– Chỉ gồm 3 dòng (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết; dòng 2 có bày âm tiết).
– Thường biểu hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cũng đậm tính tượng trưng.
– Thơ hai-cư hiện đại tuy có những đặc điểm riêng về bút pháp nhưng vẫn bảo lưu một số nguyên tắc quan trọng của tư duy và mĩ cảm thơ hai-cư truyền thống
– Sức sống và sự hấp dẫn của thơ hai-cư nằm ở khả năng kiệm lời mà vẫn gợi nhiều cảm xúc và suy tưởng.
1.2. Ôn lại thể loại thơ Đường luật
– Thơ Đường luật còn gọi là thơ cận thể. Đó là thể thơ ngụ ngôn hay thất ngôn làm theo những nguyên tắc thi luật được đặt ra từ thời Đường.
– Thơ Đường luật có ba dạng chính: thơ bát cú (8 câu), thơ tuyệt cú (4 câu) và thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật).
– Về bố cục, một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm bốn cặp câu thơ (liên thơ), tương ứng với bốn phần: đề – thực -luận- kết.
– Về luật bằng trắc, thơ Đường luật có quy định về sự hoà thanh trong từng câu và trong cả bài để đảm bảo sự cân bằng.
– Thơ Đường luật có một mô hình thi luật chặt chẽ, hưởng tới sự cân đối, hài hoà về cấu trúc của toàn bộ bài thơ.
– Về mặt ngôn từ: vốn từ ngữ hữu hạn, thậm chí quen thuộc, các mối quan hệ tương đồng hoặc đối lập, tả ít gợi nhiều.
1.3. Ôn lại đặc điểm phong trào Thơ mới
– Phong trào Thơ mới (1932 – 1945) được xem là sự kiện mở ra một thời đại mới trong thi ca Việt Nam.
– Đánh dấu sự chấm dứt của mười thế kỷ thơ ca trung đại, đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại.
– Chịu ảnh hưởng của thơ ca Pháp, đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng.
– Về mặt nội dung, Thơ mới bộc lộ những tình cảm, cảm xúc cá nhân cũng như ý thức cá tính của con người với nhiều biểu hiện đa dạng, độc đáo.
– Về mặt hình thức, Thơ mới đã phá vỡ những nguyên tắc thi pháp chi phối mười thế kỉ thơ trung đại Việt Nam.
1.4. Ôn lại cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ
– Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ được chọn (tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu văn học gắn với bài thơ lý do lựa chọn bài thơ để phân tích, đánh giá).
– Chỉ ra và phân tích được những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ (từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh,…).
– Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.